Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Khó thi hành án dân sự

(ANTĐ) - Từ đầu tháng 9 đến nay, TAND thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử gần chục vụ án liên quan đến loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có nhiều vụ án các bị cáo chiếm đoạt số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng. Thế nhưng ra đến toà, nhiều bị hại chỉ biết kêu trời vì tài sản của bị cáo đã bị “tiêu tán” từ lâu…

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Khó thi hành án dân sự

(ANTĐ) - Từ đầu tháng 9 đến nay, TAND thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử gần chục vụ án liên quan đến loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có nhiều vụ án các bị cáo chiếm đoạt số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng. Thế nhưng ra đến toà, nhiều bị hại chỉ biết kêu trời vì tài sản của bị cáo đã bị “tiêu tán” từ lâu…

Một bị cáo gần 60 tuổi bị tuyên phạt 15 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Một bị cáo gần 60 tuổi bị tuyên phạt 15 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tài sản bằng “không” trước khi hầu toà

Ngày 24-9 vừa qua, “siêu lừa” Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1964, trú tại tập thể phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) đã bị đưa ra xét xử vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS. “Dựa hơi” việc gia đình mình có người làm về y tế, Phượng đã khoe với nhiều người về việc kinh doanh mặt hàng về y tế rất “có lãi”. Sau đó, Phượng mới ngỏ ý nếu ai có vốn thì sẽ vay “tạm” để mở rộng kinh doanh và cũng hứa với chủ nợ sẽ trả lãi suất từ 7-30%/tháng. Để tạo tin tưởng, ban đầu Phượng vay ít tiền và trả lãi suất từ 5-7%/ tháng và trả gốc đầy đủ. Tuy nhiên, ít ngày sau khi trả nợ, Phượng lại đề nghị vay tiếp với số tiền ngày càng lớn. Sau khi vay được tiền của nhiều người, Phượng bí mật bán nhà ở Bạch Đằng rồi lặn “mất tăm”. Với hành vi lừa đảo của mình, Phượng đã phải trả giá bằng mức án 20 năm tù giam. Nhưng căn nhà đã bị bán, không biết Phượng còn tài sản nào để Thi hành án trả lại cho các bị hại?

Khi hai mẹ con “siêu lừa” Nguyễn Thị Tuyết (SN 1953, trú tại 75 Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) cùng con gái là Nguyễn Diệu Linh (SN 1981) phải ra hầu toà vào giữa tháng 9 vừa qua, nhiều nạn nhân vẫn ôm đầu than thở “không hiểu mê muội thế nào mà tôi lại nghe lời hai mẹ con nhà này khi giao tiền tỉ chẳng hiểu để làm gì?”. Hai mẹ con nhà Tuyết - Linh đã đẩy 37 người vào tình cảnh khốn đốn sau khi biến mất cùng số nợ lên đến 61 tỷ đồng và gần 150.000USD. HĐXX đã tuyên phạt Tuyết mức án chung thân và Linh mức án 20 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, hai mẹ con bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường những khoản tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.

Nhưng có lẽ rất khó để thi hành bản án về mặt dân sự như tòa đã tuyên bởi ngay tại tòa nhiều bị hại đã than trời vì tài sản của hai mẹ con này hầu như không còn gì. Một căn nhà của 2 bị cáo đã được bán với giá 1,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả khi chia tỷ lệ phần trăm mỗi bị hại nhận được vài chục triệu đồng trên số tiền cho nợ hàng… tỷ đồng. Có bị hại bị lừa đến 6,7 tỷ đồng nhưng mới được bồi thường… 35 triệu đồng nói như khóc: “Bao giờ tôi mới nhận lại được số tiền mình bị lừa đây?”.

Những vụ án lừa đảo - chỉ bị hại thiệt?

Không chỉ một mà có rất nhiều vụ án lừa đảo tại Hà Nội đều rơi vào thế bế tắc khi Cục Thi hành án sau khi đi xác minh “đành ngả mũ chào thua” khi biết bị cáo không hề có tài sản để thi hành. Chấp hành viên cao cấp Phạm Anh Dũng - Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết: “Chúng tôi thụ lý rất nhiều vụ án liên quan đến tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng cách này hay cách khác, hầu hết tài sản của các bị cáo đều được “khéo léo” chuyển nhượng, sang tên hoặc bán cho người khác khiến thi hành án rất khó khăn trong việc xác định tài sản. Thậm chí, có những đối tượng lừa hàng trăm tỷ đồng nhưng khi những người bị hại làm đơn đề nghị thi hành án gửi đến Cục và chúng tôi xác minh thì bị cáo không còn tài sản nên không thể thi hành án. Chính vì thế, công tác thi hành những bản án tương tự hiện nay còn rất khó khăn…”.

Cùng đồng tình ý kiến trên, luật sư Mai Anh thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: “Ngay từ quá trình điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, CQĐT đã phải kê biên ngay tài sản, cấm cho, nhượng, mua bán những tài sản của bị can trong vụ án để phục vụ công tác điều tra. Điều đó chỉ thành công với số ít đối tượng. Nhưng hầu hết, dạng tội phạm này thường tinh vi và xảo quyệt và có sự chuẩn bị từ trước. Với những khoản tiền lớn, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, những đối tượng này đều biết thừa mức án dành cho chúng đều rất cao (từ 15 năm đến chung thân) nên phần lớn số tài sản đều đã được “chuyển giao” bằng mọi cách với suy nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Một thẩm phán lâu năm của TAND thành phố Hà Nội chua xót: “Nhiều bị hại khóc ngất trước HĐXX nói rằng, nếu bị cáo chỉ đi tù mà không trả tiền thì chính họ một ngày nào đó cũng sẽ phải đứng trước tòa cũng vì lừa đảo. Bởi rất nhiều bị hại đã vay lãi của người khác rồi cho bị cáo trong vụ án vay lại vì ham lãi suất cao hơn. Là những người thực thi pháp luật, chúng tôi chỉ hi vọng mọi người cần cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tránh rơi vào trường hợp “tiền  mất, tật mang”. 

Nguyễn Thủy