Sự sống kỳ diệu của nhân chứng duy nhất trong vụ thảm án

ANTĐ - Chiều 5-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm cháu Trịnh Thị Bích - nạn nhân duy nhất sống sót sau vụ thảm sát cả gia đình hiệu vàng bị cướp ở Bắc Giang ngày 24-8. PV ANTĐ cũng đã tiếp cận được với những thông tin chính thức từ phía BV Việt Đức cũng như nơi cháu Bích đang nằm điều trị.

Cháu Bích được các bác sĩ rút chỉ ở các vết thương sau phẫu thuật

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức cho biết, khoảng 13h ngày 24-8, cháu Bích được đưa vào nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, mạch huyết áp thấp, tỷ lệ hồng cầu rất thấp, bàn tay phải bị chặt đứt rời sau nhiều tiếng nhưng rất may được ướp trong thùng đá. Nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vụ án và tình trạng hết sức nguy kịch của cháu Bích, ngay lập tức BV đã tổ chức 3 kíp để phẫu thuật cho cháu, trong đó kíp phẫu thuật thần kinh thực hiện khoảng 1 giờ, kíp phẫu thuật chấn thương khoảng gần 1 giờ, lâu nhất là kíp phẫu thuật vi phẫu nối bàn tay cho cháu mất hơn 10 tiếng.

TS.BS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình người trực tiếp phẫu thuật cho cháu Bích kể lại, lúc cháu Bích nhập viện, chấn thương nhìn thấy rất hãi hùng: bàn tay phải bị cắt rời, phía gần khuỷu tay phải bị một vết chém sâu nữa gần đứt cẳng tay, bên tay phải cũng bị một vết chém sâu tương tự, còn ở vùng đầu, mặt bị 2 vết chém sâu ở vùng sống mũi và mang tai (vết chém sâu vào tận não).

“Với bàn tay bị cắt rời bình thường phải được nối ngay trong khoảng 6-7 giờ nếu không sẽ bị hoại tử, tuy nhiên do cháu Bích bị quá nhiều chấn thương nên nếu thực hiện nối tay ngay sẽ dễ bị sót, nguy hại đến các vết thương khác. Vì thế các bác sĩ đã chụp cắt lớp cho cháu bé và thực hiện lần lượt 3 kíp phẫu thuật... Đến chiều 5-9, sau 13 ngày phẫu thuật, cháu Bích đã bình phục, không sốt, vết thương sọ mặt và vết thương tay trái đã được cắt chỉ, tay được nối hồng ấm, 4 ngón tay cử động tốt nhưng còn ngón út cử động kém, tiên lượng bàn tay được nối có thể phục hồi khoảng 70-80%” - bác sĩ Hà cho biết.

Ths. Lưu Quang Thùy, khoa Gây mê hồi sức - người trực tiếp hồi sức cho cháu Bích cho biết, đây là một trong những trường hợp gây mê dài nhất với trẻ em dưới 10 tuổi từ trước đến nay. Bình thường với chấn thương sọ não thì không được dùng thuốc chống đông nhưng nếu nối tay mà không dùng thuốc chống đông thì không thực hiện được, do đó các bác sĩ phải cân nhắc rất nhiều. Cuối cùng quyết định dùng thuốc chống đông trong quá trình gây mê phẫu thuật. Về việc cháu bé đã sống được sau khi bị chặt đứt rời bàn tay đến 7-8 giờ mà không hề được cầm máu hay sơ cứu gì, bác sĩ Thùy cho biết, đó là do mạch máu đông và co lại nên không mất máu nhiều.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết thêm, đến 4-9, sau khi Ban chuyên án hoàn tất hồ sơ vụ án đã ký bàn giao cháu Bích cho gia đình chăm sóc. Vì thế, phía BV đã cho chuyển cháu Bích từ phòng mổ (nằm cách ly từ khi được phẫu thuật) sang phòng chăm sóc tự nguyện tại khoa điều trị và cho phép bác ruột của cháu chăm sóc cháu. “Mặc dù là một cháu bé rất bản lĩnh nhưng khi chuyển phòng, cháu Bích nằng nặc không muốn đi đâu mà chỉ muốn nằm tại phòng mổ - có lẽ là do cháu quá sợ ra ngoài” - ông Quyết chia sẻ.

Cũng theo ông Quyết, người nhà cháu Bích cho biết sau khi cháu Bích hồi phục họ sẽ đưa cháu Bích đến sống với gia đình người bác ruột ở địa phương khác để cách ly hoàn toàn môi trường sống cũ, nhằm giúp cháu bé sớm hòa nhập lại với cuộc sống.

Được phép của BV, chúng tôi vào thăm cháu Bích tại phòng điều trị. Bản thân cháu Bích có lẽ do quá sốc với vụ việc đau lòng vừa qua nên đã kéo chăn lên mặt và nằm im không nói một lời.

Bộ trưởng Bộ Y tế hoan nghênh BV Việt Đức đã phẫu thuật thành công cho cháu Bích trong hoàn cảnh hết sức nguy kịch. Đồng thời cũng kiến nghị BV và gia đình cháu Bích nên đưa cháu bé đi điều trị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để giúp cháu sớm lấy lại thăng bằng tâm lý, trở lại cuộc sống bình thường.