“Sổ đỏ” giả - truy đến cùng trách nhiệm

ANTĐ - Đối chiếu danh sách 483 phôi mà UBND thị xã Sơn Tây công bố với 10 phôi “sổ đỏ” mà lực lượng CSKT CATP Hà Nội thu giữ trong vụ án làm giả “sổ đỏ” hồi đầu tháng 3 (Báo ANTĐ đã có bài phản ánh), hoàn toàn không có sự trùng lặp. Như vậy có thể khẳng định: thị xã Sơn Tây không phải địa phương duy nhất đang bị mất phôi “sổ đỏ”.

Trần Đức Phúc - “chuyên gia” làm “sổ đỏ” giả

2,5 triệu đồng/ phôi “xịn”

Lời khai ban đầu của Trần Đức Phúc, 62 tuổi, nhà ở phường Năng Tĩnh, TP Nam Định, đối tượng được xác định là đầu vụ trong đường dây “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, Nhà nước” vừa bị Đội Chống hàng giả- Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội bắt giữ đã hé lộ thông tin khá bất ngờ. Có 2 tiền án về tội “Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, Nhà nước”, nên khi chủ tâm tái phạm, Trần Đức Phúc đã kết nối được với những đầu mối chuyên cung cấp phôi “sổ đỏ” xịn, từ đó trực tiếp làm giả bằng công nghệ in lưới. Trung tá Hà Hùng - Đội trưởng Đội Chống hàng giả cho biết, gần 1 tuần sau khi bị bắt, Phúc thừa nhận có thể đáp ứng được mọi nhu cầu về “sổ đỏ” giả, song ông ta lại hết sức loanh quanh về nguồn cung cấp phôi sổ. “Tôi được anh em bạn bè giới thiệu, cần phôi sổ thì gọi điện, người ta mang đến tận nhà. Mỗi phôi tôi trả 2,5 triệu đồng; tiền trao, phôi nhận, không biết khách bán là ai”, Trần Đức Phúc khai.

Trong số 10 phôi “sổ đỏ” mà lực lượng công an thu giữ, 2 chiếc còn để trắng. Số phôi còn lại đã được đặt làm theo yêu cầu của Nguyễn Thị Bằng An, dù in bằng công nghệ đơn giản nhất - in lưới - nhưng rất khó phân biệt thật, giả. Chẳng thế mà khi một trong những bị hại của An trước lúc đồng ý mua đất, đã đem “sổ đỏ” đến Phòng Tài nguyên của quận C. để xác minh, nhưng cán bộ đó đã không nhận ra đó là sổ giả.

Đầu tư 2,5 triệu đồng/phôi “sỏ đỏ” thật, Trần Đức Phúc gia công và thu lời bất chính từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, mối nguy hại lớn nhất ở đây chính là những “sổ đỏ” giả bị đem lưu hành ngoài xã hội.

Tội phạm trục lợi

“Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn sử dụng “sổ đỏ” giả đang có dấu hiệu gia tăng. Và với những thủ đoạn làm giả sổ tinh vi, không chỉ cá nhân mà các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm”, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội nhận định. 

Ngoài vụ án liên quan đến tội phạm làm giả “sổ đỏ” hoạt động quy mô như vụ Nguyễn Thị Bằng An, Trần Đức Phúc, mới đây, một cơ quan tố tụng Hà Nội đã xử lý vụ Lê Bá Quỳ, 41 tuổi, trú tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, làm “sổ đỏ” giả để thế chấp đáo nợ ngân hàng và bán đất “ảo”, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều người dân. Giúp sức đắc lực cho Quỳ là Phùng Văn Thúy, 31 tuổi, nguyên nhân viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm. Lợi dụng công việc được giao, Thúy đã lấy trộm 20 phôi sổ rồi chuyển cho Quỳ. Có phôi, Quỳ đã thuê đối tượng làm giả toàn bộ nội dung, con dấu, chữ ký theo ý đồ của y, từ đó đem thế chấp ngân hàng và bán đất “ảo”. Ngoài gần 10 cá nhân, có khoảng 3 công ty và 5 ngân hàng đã dính quả lừa của Lê Bá Quỳ. 

Các vụ án liên quan đến tội phạm “sổ đỏ”, bên cạnh nguyên nhân từ sự mất cảnh giác của các tổ chức, cá nhân, đã và đang có “lỗi” từ sự thiếu trách nhiệm của những cán bộ được giao làm công tác thẩm định tài sản hay chứng thực. Trong vụ án Lê Bá Quỳ, hành vi dùng “sổ đỏ” giả đáo hạn ngân hàng của Quỳ được tiếp sức bởi chính cán bộ ngân hàng. Ít nhất 1 cán bộ ngân hàng bị truy tố và nhiều cán bộ ngân hàng liên đới trách nhiệm, do không tuân thủ nghiêm túc quy trình kiểm soát, kiểm tra trước khi duyệt xuất tiền cho Lê Bá Quỳ. Còn vụ án Nguyễn Thị Bằng An và Trần Đức Phúc, không chỉ cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường không phát hiện được “sổ đỏ” giả, mà 1 phòng công chứng tư nhân ở địa bàn quận Long Biên, Hà Nội cũng đã vô tư công chứng mà chẳng buồn xác minh xem tính chân giả của “sổ đỏ”. Thế nên cũng đã có 2 bị hại dính quả lừa do Nguyễn thị Bằng An lập nên, với thiệt hại trên 8 tỷ đồng. 

Lỗ hổng trong công chứng tư

Thực tế hiện nay bộc lộ lỗ hổng lớn trong hoạt động công chứng tư ở lĩnh vực “sổ đỏ” nói riêng; đó là do không quy định vùng, địa bàn nên những người có nhu cầu công chứng “sổ đỏ” có thể mang giấy tờ đến bất cứ văn phòng nào để xác nhận. Trong khi đó, các văn phòng công chứng tư lại chưa “nối mạng” với cơ quan quản lý để cập nhật thông tin về “sổ đỏ”. Việc công chứng ở nhiều phòng công chứng tư hiện nay chỉ đặt nặng vấn đề dịch vụ mà không chú trọng đến tính pháp lý của giấy tờ được đưa đến công chứng. Nói như một cán bộ Văn phòng UBND quận Long Biên, thì “ngay ở quán cà phê, người ta cũng có thể công chứng được cho nhau, miễn là thanh toán đủ tiền”. 

Về hiện tượng mất phôi “sổ đỏ” mà không báo cáo, cũng cần truy trách nhiệm của cơ quan quản lý phôi ở cơ sở. Theo đại diện Cục Đăng ký thống kê, việc để thất lạc phôi là do địa phương thực hiện không đúng quy định. Việc quản lý phôi đã được hướng dẫn chi tiết; phải lập sổ theo dõi, cấp phát cho ai cũng phải thể hiện rõ trong sổ. Trường hợp in sai, in hỏng phải xử lý hủy bỏ theo quy trình, và phải lập biên bản chứ không thể hủy tùy tiện. Tuy nhiên, những quy trình này đã không được thực hiện nghiêm túc. Đã và đang hình thành tâm lý “né” trách nhiệm, giấu vụ việc, khi xảy ra sự cố mất phôi. Và vì thế, tội phạm “sổ đỏ” vẫn còn “đất” để hoạt động.