Sau "tội ác ghê tởm" của Lê Văn Luyện: Nên sửa luật?

ANTĐ - Mức án 18 năm tù mà TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt Lê Văn Luyện là đúng luật nhưng đã gây nên một luồng dư luận bức xúc trong xã hội vì hành vi của Luyện hết sức dã man.

Để cướp của, Luyện đã giết chết ba người, trong đó có một em bé 18 tháng tuổi, và làm một em bé khác bị thương tật nặng nề. Nhiều người đặt vấn đề phải sửa Bộ luật hình sự. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của các nhà làm luật và chủ tọa phiên tòa.

Người thân gia đình nạn nhân khóc ngất mỗi lần nghe Lê Văn Luyện khai lại hành vi gây án dã man của Luyện tại phiên tòa -
Người thân gia đình nạn nhân khóc ngất mỗi lần nghe Lê Văn Luyện khai lại hành vi gây án dã man của Luyện tại phiên tòa -

* Ông Nguyễn Công Hồng (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp):

Có thể cải tạo, giáo dục được

Phải nói rằng khi chúng ta xây dựng Bộ luật hình sự năm 1985 và sửa đổi cơ bản vào năm 1999 thì chưa có vụ án nào cực kỳ nghiêm trọng như vụ do Lê Văn Luyện gây ra. Quan điểm khi xây dựng pháp luật hình sự của Việt Nam và cũng là quan điểm phổ biến trên thế giới là không phạt tử hình đối với người phạm tội chưa thành niên. Nhiều quốc gia đã không còn án tử hình, và nếu còn cũng không áp dụng với người chưa thành niên. Các nhà lập pháp cho rằng đối tượng này còn có thể cải tạo, giáo dục thành người có ích.

Trường hợp Lê Văn Luyện quả là hết sức cá biệt với hành vi giết người lạnh lùng, dã man, phi nhân tính. Tôi rất chia sẻ với gia đình nạn nhân và những bức xúc của dư luận xã hội rằng với tội ác dã man như vậy mà hình phạt chỉ là 18 năm là không thỏa đáng. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên đặt vấn đề sửa luật để áp dụng án tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta cũng cùng chung với xu hướng tiến bộ trên thế giới là ngày càng giảm dần và tiến tới bỏ hẳn hình phạt tử hình. Cần phải nói thêm rằng ở những nước có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn ta và họ đã bỏ hình phạt tử hình thì cũng không phải không từng xảy ra những tội ác dã man.

* TS Vũ Đức Khiển (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật):

Lê Văn Luyện là trường hợp quá cá biệt

Trước bản án chỉ có 18 năm tù giam mà tòa tuyên cho Lê Văn Luyện, chắc chắn không chỉ riêng tôi mà sẽ rất nhiều người cảm thấy bức xúc vì Lê Văn Luyện phạm tội tày trời, hết sức côn đồ, man rợ. Nhiều người nghĩ là phải tử hình, loại bỏ vĩnh viễn Lê Văn Luyện ra khỏi xã hội mới đúng. Nhưng thẩm phán Thân Quốc Hùng chỉ có thể tuyên bản án trong khuôn khổ mà pháp luật cho phép.

Đến nay, Việt Nam vẫn giữ hình phạt tử hình, nhưng hình phạt này không được áp dụng cho người chưa tròn 18 tuổi. Vì tính nhân văn của pháp luật, chúng ta không nỡ loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội một người phạm tội chưa đủ tuổi thành niên. Cuộc đời của những con người ấy còn dài lắm, và với mức tuổi như vậy thì hoàn toàn có thể cải tạo, giáo dục để họ sửa chữa sai lầm.

Trường hợp Lê Văn Luyện quá cá biệt. Pháp luật có nên điều chỉnh những trường hợp quá cá biệt này không? Tôi cũng thấy băn khoăn trước câu hỏi này. Xu hướng thế giới thì thường không quy định với những trường hợp hi hữu như vậy. Còn một khi chúng ta có quá nhiều ý kiến đề nghị thì có thể nghiên cứu để đề nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật hình sự. Chẳng hạn như quy định trong những trường hợp rất đặc biệt thì bản án có thể tuyên nhiều hơn 18 năm.

Tử hình không phải là cách duy nhất và tốt nhất để loại trừ tội ác. Cách tốt nhất phải là xử lý triệt để những mầm mống, nguồn gốc của tội ác ấy. Ông bà ta có câu “con hư tại mẹ...”, Bác Hồ nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ phần nhiều do giáo dục mà nên”. Một khi tội phạm phát sinh một cách bất thường trong xã hội thì cần phải phân tích toàn bộ thực trạng đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục... để tìm ra nguyên nhân tận gốc.

* Chủ tọa phiên tòa:

Không thể lấy một trường hợp để đánh giá pháp luật chưa nghiêm

Sau "tội ác ghê tởm" của Lê Văn Luyện: Nên sửa luật? ảnh 2
Phó chánh tòa hình sự TAND tỉnh Bắc Giang, chủ tọa phiên tòa - ông Thân Quốc Hùng (ảnh) - cho biết dù rất chia sẻ với nỗi đau của gia đình nạn nhân, sự bức xúc lên án của dư luận xã hội nhưng không thể làm khác.

Ông Thân Quốc Hùng nói: Luật pháp Việt Nam đã quy định mức án cao nhất dành cho bị cáo chưa đủ 18 tuổi là 18 năm tù. Những nghiên cứu khoa học đã cho thấy người chưa đủ 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm sinh lý và khả năng kiểm soát hành vi bản thân. Do đó, pháp luật hình sự Việt Nam đã đặt ra những nguyên tắc riêng khi xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

* Có dư luận cho rằng sau vụ án này các cơ quan chức năng cần phải sửa đổi pháp luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như nào?

- Tôi cho rằng không thể lấy một trường hợp cụ thể để đánh giá pháp luật Việt Nam chưa nghiêm, cũng như không thể lấy một cá thể để phán xét hay làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ thanh thiếu niên.

Chính sách hình sự của Việt Nam là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục người chưa thành niên nhận ra sai lầm để sửa chữa và có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Vấn đề quan trọng nên đặt ra bây giờ là môi trường giáo dục. Nhà trường, gia đình và xã hội - ba môi trường hình thành nên nhân cách con người - cần phải có những thay đổi tích cực hơn nữa để trẻ có tâm hồn hướng thiện, phải làm sao để những giá trị đảo lộn, rối loạn xã hội không ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

* Nhiều người lo ngại sau vụ án này lại có nhiều tội phạm tuổi vị thành niên?

- Cá nhân tôi không suy nghĩ vậy. Không thể lấy một vụ việc cụ thể để đánh giá cả một thế hệ hay dự đoán một xu hướng.

Khi đánh giá để xây dựng, sửa đổi luật, chúng ta đã dựa trên rất nhiều nghiên cứu khoa học, điều ước, công ước quốc tế và đặc biệt là công ước quốc tế về quyền trẻ em. Rất khó để mà thay đổi và sửa luật. Và cho dù nếu muốn sửa đổi thì các nhà làm luật phải nghiên cứu nhiều hơn, xây dựng dựa trên những nghiên cứu khoa học, ý kiến người dân và tham khảo sự đồng thuận của dân.

Bi kịch mang tên Lê Văn Luyện

“Giết chết nó đi”, “Tử hình Lê Văn Luyện một nghìn lần”, “Mày ăn gì mà mày đẻ con ác thế”, “Đưa cả nhà nó ra tùng xẻo cho chết hết thì mới hả dạ”... Sự căm phẫn tột độ của gia đình bị hại, sự lạnh lùng điềm nhiên của Lê Văn Luyện trong hai ngày xét xử 10 và 11-1 tại TAND tỉnh Bắc Giang làm người dự khán thấy nghẹt thở.

Phòng xử sáng 10-1 vắng bóng người đại diện gia đình bị hại. Bố nạn nhân yêu cầu hội đồng xét xử cho tất cả hơn 30 người nhà nạn nhân tham dự phiên tòa, nếu không tất cả sẽ không có mặt. Nói rồi họ ôm di ảnh nạn nhân tỏa ra các phố quanh tòa án, mang theo ảnh bé Trịnh Thị Bích (nạn nhân duy nhất sống sót sau vụ án) với nhiều vết thương, cánh tay đứt rời, kèm theo khẩu hiệu, băngrôn đòi tử hình Lê Văn Luyện.

Chiều 10-1, phiên tòa được mở lại. Trên hơn nửa số băng ghế trong phòng xử án là người nhà nạn nhân, với ba tấm di ảnh và khăn tang trắng xóa. Gần nửa số ghế còn lại xanh đặc màu áo công an. Ngoài hành lang, hàng trăm người dân cùng các phóng viên báo đài đứng chen chúc.

Không khí phòng xử trở nên nặng nề, nghẹt thở khi Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng. Những chi tiết mà đa số ai cũng biết nhưng nghe lại vẫn thấy rùng mình: Rạng sáng 24-8-2011, Luyện đột nhập tiệm vàng Ngọc Bích, ra tay sát hại cả gia đình anh Trịnh Thành Ngọc rồi cướp vàng và bình thản đi trốn. Tội ác của Lê Văn Luyện được lên kế hoạch từ trước, thực hiện tỉ mỉ và chuẩn xác đến từng chi tiết làm người dự khán phải rùng mình.

Đại diện Viện kiểm sát nhiều lần phải ngưng đọc cáo trạng vì tiếng khóc, la hét đòi giết Lê Văn Luyện của gia đình người bị hại. Họ liên tục chửi rủa lực lượng an ninh, nguyền rủa Lê Văn Luyện và buộc tội hội đồng xét xử “bênh cho thằng Luyện, nghe lời thằng giết người cướp của”. Trong phần được nói yêu cầu, gia đình bị hại chỉ đòi tử hình Lê Văn Luyện.

Trong khi đó, thái độ của Lê Văn Luyện suốt hai ngày xét xử hoàn toàn ngược lại, bình thản, điềm nhiên tới lạnh lùng. Khi thẩm vấn, luật sư của gia đình bị hại yêu cầu Lê Văn Luyện quay xuống dưới, đối diện với gia đình nạn nhân để nói một lời ăn năn hối cải, bị cáo trả lời gọn lỏn: “Không”. Buổi xét xử đầu tiên, bị cáo còn cúi gằm mặt, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên lén lút quan sát xung quanh rồi cúi đầu xuống. Nhưng buổi xử thứ hai, Luyện bất cần tới đáng sợ. Bị cáo ngồi bẻ tay, lắc đầu. Lúc luật sư đọc lời bào chữa cho mình, Luyện còn mỉm cười rất nhanh. Luật sư gia đình bị hại nhiều lúc tỏ thái độ mỉa mai với Luyện bằng các câu hỏi gay gắt. Trước thái độ như thế của luật sư, bị cáo càng trở nên chai lì, bằng các câu trả lời cộc lốc: “có”, “không”, hoặc “trước vụ án bị cáo chưa đi cướp bao giờ nên không biết”...

Tấn bi kịch do Luyện gây ra tưởng đã quá lớn lại như mới bắt đầu và càng dày thêm sau buổi xét xử. Bi kịch ấy là sự căm phẫn tột độ của gia đình nạn nhân, là rất nhiều người mất niềm tin vào sự công bằng trước mức án 18 năm tù, là cả sáu người thân của Luyện phải theo Luyện vào tù, là thái độ dửng dưng, không bày tỏ một chút ăn năn của Luyện.