Nếu sinh trước gần 2 tháng, hung thủ sẽ bị mức án tử hình

ANTĐ - Một tuần sau khi vụ án giết người, cướp hiệu vàng xảy ra tại hiệu vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước tội ác man rợ của kẻ giết người máu lạnh. Để có những phân tích, đánh giá về hành vi phạm tội của đối tượng này, phóng viên Báo ANTĐ đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Chiến (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

- PV: Thưa ông, vụ án giết người, cướp hiệu vàng gây chấn động dư luận ở Bắc Giang bước đầu đã được làm sáng tỏ, hung thủ vừa được cơ quan điều tra bắt được chiều 31-8 xác định là Lê Văn Luyện sinh ngày 18-10-1993. Vậy theo ông đối tượng Luyện có phải chịu mức hình phạt cao nhất cho hành vi giết người của mình khi mà thời điểm thực hiện hành vi phạm tội (24-8-2011), đối tượng này chưa đủ 18 tuổi?

 
- Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Đối với những đối tượng phạm tội đủ 18 tuổi trở lên đều phải căn cứ vào mức độ phạm của đối tượng đã được quy định theo luật định để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng thì sẽ căn cứ vào tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để tổng hợp hình phạt với hành vi phạm tội mà đối tượng đã gây ra. Trong trường hợp đối tượng đã phạm tội nghiêm trọng và tiếp tục phạm tội nghiêm trọng khác thì sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất.

Tuy nhiên, nếu đối tượng phạm tội là người chưa thành niên thì sẽ không bị xử phạt hình phạt cao nhất theo quy định tại Điều 71 và 74 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó tại Điều 71 các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt đối với mỗi tội phạm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn.

Tại Điều 74 - BLHS quy định về tù có thời hạn thì người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Như vậy, nếu đối tượng Luyện là kẻ gây ra vụ án trên đã mắc 2 tội nghiêm trọng là giết người và cướp của. Tuy nhiên, nếu đúng là Luyện sinh ngày 18-10-1993 thì tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội chưa đủ 18 tuổi, nên chỉ áp dụng khung phạt cho người chưa thành niên phạm tội, với khung hình phạt chính không quá 18 năm tù.

- PV: Với hành vi phạm nhiều tội dã man mà Lê Văn Luyện gây ra, rất nhiều ý kiến cho rằng kẻ gây án kể cả chưa đủ 18 tuổi vẫn phải chịu mức án cao nhất. Ông nhận xét như thế nào về luồng dư luận này?

- Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Tại Điều 48 - BLHS các tình tiết tăng nặng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;… cũng không áp dụng với đối tượng chưa thành niên phạm tội.

Mặt khác Điều 69 của luật này cũng quy định: “Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình phạt bổ sung với người chưa thành niên phạm tội”.

Hơn nữa, Bộ luật Hình sự đã được các nhà làm luật nghiên cứu rất kỹ những yếu tố về đối tượng phạm tội, hành vi của người phạm tội… để xây dựng thành bộ luật đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Do vậy, không thể đưa ra mức hình phạt cao nhất đối với Lê Văn Luyện dựa trên những hành vi dã man mà hắn đã thực hiện khi mà những căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã được quy định rất rõ trong Bộ luật Hình sự.

Hơn nữa, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

- PV: Xin cảm ơn ông!