Hành vi vu khống - vi phạm nhiều, xử lý ít

(ANTĐ) - Tội vu khống được biểu hiện ở 3 loại hành vi: bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật...Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc xử lý hành vi này vẫn còn chưa nghiêm.

Hành vi vu khống - vi phạm nhiều, xử lý ít

(ANTĐ) - Tội vu khống được biểu hiện ở 3 loại hành vi: bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật...Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc xử lý hành vi này vẫn còn chưa nghiêm.

Một vụ án nghiêm trọng

H là cán bộ công tác tại một cơ quan Nhà nước, do có những vi phạm trong công tác nên bị kỷ luật. Người H nghĩ đến việc trả thù là anh Q vì cho rằng vì Q mà mình gặp phải “tai họa” đó.

Sau nhiều ngày nung nấu ý định, H đã quyết định chọn cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả nhất, đó là giấu ma túy dưới yên xe máy của anh Q rồi tố cáo anh có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy với cơ quan công an. Toàn bộ kế hoạch này y đã bàn với L (chị họ) để nhờ L giúp khi có yêu cầu.

Kế hoạch trên đã được H thực hiện vào ngày 30-5-2007, lợi dụng lúc vắng người trong khu vực bãi giữ xe của cơ quan và nhét vào dưới yên xe máy của anh Q 3 gói heroin (có trọng lượng 0,004 gam) và 10 ống pipolphen.

Sau đó, y ra một hàng nước gọi điện thoại cho L, bảo L gọi điện tố cáo với cơ quan công an hành vi phạm tội của Q. Thực hiện yêu cầu của H, L đã gọi điện tố cáo hành vi tàng trữ ma túy của Q. Khi công an đến hiện trường thì xác định ngay dưới yên xe máy có cất giấu ma túy.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã có đủ cơ sở anh Q không có hành vi tàng trữ ma túy và kẻ “gắp lửa bỏ tay người” chính là H. Hiện H đang bị bắt giam và chờ ngày ra tòa nhận sự phán quyết của pháp luật.

Những người cơ quan của Q khi biết tin này đều sửng sốt vì không thể ngờ rằng kẻ phạm tội lại có hành vi bỉ ổi đến thế. H được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tử tế, được ăn học đến nơi đến chốn, vậy mà chỉ vì nghĩ đến việc “trả thù”, y đã không thể kiểm soát được bản thân và gây ra vụ án bẩn thỉu đó.

VKS đã truy tố H về tội vu khống theo điều 122 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra y phải chịu trách nhiệm hình sự cả về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Có như vậy mới đảm bảo việc xét xử được khách quan và nghiêm minh.

Vu khống là gì?

Theo quy định của pháp luật, tội vu khống được biểu hiện ở 3 loại hành vi: bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật... Bịa đặt là hư cấu những chuyện không có thật; loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước cho rằng họ đã phạm một tội nào đó.

Các hình thức vu khống như truyền miệng, viết bài, thơ ca hò vè, đơn tố giác, thư nặc danh... Trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội. Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan Nhà nước về việc người khác phạm tội.

Cũng cần phân biệt giữa tội vu khống và tội làm nhục người khác. Hai tội này có điểm giống nhau là hậu quả đều dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, nhưng hành vi khách quan khác nhau.

Tội làm nhục người khác thể hiện bằng lời nói như chửi rủa, xỉ nhục ở nơi đông người, bằng viết, vẽ hay những hành động có tính chất bỉ ổi.

Còn tội vu khống thì bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Tất nhiên, hành vi phạm tội phải gây ra một hậu quả nào đó thì mới bị xử lý về hình sự. Còn nếu hậu quả chưa thật nghiêm trọng thì người có hành vi vu khống có thể bị xử lý về hành chính.

Xử lý ít

Xin đơn cử một ví dụ: trong 3 tháng đầu năm 2007, Thanh tra thành phố Hà Nội tiếp nhận, giải quyết 572 vụ khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết 357 vụ. Trong đó, khiếu nại đúng 12%, khiếu nại sai 37%, khiếu nại có đúng, có sai 51%; tố cáo đúng 33%, tố cáo sai 15%, tố cáo có đúng, có sai 52%.

Đưa ra ví dụ trên để thấy rằng, khá nhiều đơn khiếu nại, tố cáo còn chưa chính xác. Cá nhân hoặc đơn vị nếu bị tố cáo sai, ở mức độ nhẹ thì chưa có thiệt hại, nhưng nếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì rõ ràng cần phải có hình thức xử lý người khiếu nại, tố cáo.

Hành vi vu khống bị xử lý ít có thể do người bị vu khống không có đơn yêu cầu, có thể do thiệt hại không đến mức phải truy tố, hoặc nhiều trường hợp do các bên tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, có thể thấy những năm gần đây, vì mục đích cá nhân, nhiều người tố cáo sai sự thật khiến người bị tố cáo rơi vào cảnh khốn đốn.

Chỉ vì một bức xúc nào đó, họ sẵn sàng viết đơn tố cáo người kia tới các cơ quan pháp luật với những điều bịa đặt vô lý. Nhiều ý kiến cho rằng, phải xử lý nghiêm với những người có hành vi này. Ở mức độ nhẹ là xử lý hành chính, nghiêm trọng hơn là truy tố trước pháp luật. Đây là việc làm cần thiết của các cơ quan chức năng, góp phần vào việc giữ gìn trật tự chung của xã hội.

Thu Hiền