Hành trình chống tội phạm xuyên quốc gia

ANTĐ - Cách đây 20 năm, ngày 4-11-1991, trong phiên họp đầu tiên của Kỳ họp Đại hội đồng Interpol (tên gọi tắt của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế) lần thứ 60 tại thành phố Penta De Este – Urugoay, Đại hội đồng Interpol đã chính thức thông qua đơn xin gia nhập Tổ chức của Bộ Nội vụ Việt Nam (nay là bộ công an).

Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 156 của tổ chức Inpterpol, mở ra một cơ chế hợp tác đa phương về thực thi  pháp luật trên phạm vi rộng nhất từ trước đến nay. Sự ra đời của Văn phòng Interpol Việt Nam có vai trò quan trọng khi mà tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các loại tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, lừa đảo, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm rửa tiền…

Interpol Việt Nam bàn giao đối tượng phạm tội (X) cho cảnh sát Hàn Quốc (Ảnh tư liệu)


Từ đối tượng bị FBI truy nã đến kẻ giết người ở Đức

Qua kênh Interpol, Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ và trao trả trên 200 đối tượng truy nã cho Cảnh sát các nước Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc… phối hợp với cảnh sát nước ngoài bắt giữ và dẫn độ về nước 49 đối tượng truy nã của Việt Nam.

Trong số này nổi bật cái tên Bùi Hữu Tài, kẻ được FBI xếp vào danh sách 1 trong 10 đối tượng nguy hiểm nhất của năm 1998. Không chỉ phạm tội tại Mỹ, Bùi Hữu Tài còn có lệnh truy nã của cảnh sát Úc trong thời gian hắn lẩn trốn ở đây. Lật lại quá khứ của Bùi Hữu Tài, có thể thấy Tài là một tên tội phạm hết sức nguy hiểm. Định cư tại Mỹ từ năm 10 tuổi, Bùi Hữu Tài cầm đầu một băng xã hội đen gồm một số tên gốc Việt liên kết với tội phạm người Mỹ tiến hành hàng loạt các hoạt động phạm tội từ trộm cắp xe ô tô, sử dụng ma túy đến gây rối trật tự công cộng.

Bị Tòa án Mỹ truy nã về tội buôn bán ma túy, Bùi Hữu Tài bỏ trốn sang Úc. Tại đây, hắn tiếp tục tham gia vào một đường dây buôn bán ma túy. Trong quá trình làm ăn, băng đảng của Tài mâu thuẫn với một phụ nữ gốc Việt. Tài đã tổ chức bắt cóc con trai của của người này rồi sau đó thủ tiêu con tin. Sau khi gây ra vụ án mạng và gặp phải sự truy lùng gắt gao của cảnh sát Úc, Bùi Hữu Tài đã nhập cảnh vào Việt Nam với cái tên giả là Vũ Mạnh Cường. Khi đó, thông qua con đường hợp tác Interpol, phía cảnh sát Úc đã chuyển cho Văn phòng Interpol Việt Nam (VPI) lệnh truy nã Bùi Hữu Tài. Sau khi tiến hành điều tra, xác minh VPI Việt Nam đã xác định người mang tên Vũ Mạnh Cường chính là Bùi Hữu Tài, kẻ mang 2 lệnh truy nã đỏ của cảnh sát Mỹ và cảnh sát Úc. Ngày 13-9-1998, VPI đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra và Công an tp Hồ Chí Minh bắt giữ đối tượng Bùi Hữu Tài. Điều đặc biệt là trong quá trình bắt giữ Bùi Hữu Tài Cơ quan cảnh sát điều tra còn làm rõ một đường dây buôn bán ma túy lớn.

“Nổi tiếng” không kém Bùi Hữu Tài là Nguyễn Hải Nam. Nguyễn Hải Nam quê ở Vinh (Nghệ An), là kẻ cầm đầu băng nhóm tội phạm khét tiếng người người Việt hoạt động ở các nước Đức, Cộng hòa Séc và Ba Lan. Nhắc tới cái tên Nguyễn Hải Nam, cộng động người Việt tại Đông Âu những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 vẫn còn kinh sợ. Sau khi phạm tội tại Đức và chịu sự truy lùng gắt gao của Cảnh sát Liên bang Đức, Nguyễn Hải Nam đã thay đổi họ tên trốn về Việt Nam, sinh sống tại Vũng Tàu. Qua kênh hợp tác với VPI, cảnh sát Liên bang Đức đã chuyển toàn bộ hồ sơ phạm tội giết người ở Đức của Nguyễn Hoài Nam về Việt Nam.

Từ những thông tin này, Cục Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Văn phòng VPI bắt giữ Nguyễn Hải Nam để xử lý theo luật pháp Việt Nam. Ngày 11-9-1998, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xét xử Nguyễn Hải Nam về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép với án tù chung thân.

Không chỉ dừng lại ở những chiến công trong việc truy bắt đối tượng giết người, Cảnh sát Interpol Việt Nam còn góp phần phá vỡ nhiều đường dây mua bán người. Điển hình là vụ án “Thuấn tóc dài”. Tháng 10-2005, VPI nhận được một số đơn thư nặc danh tố cáo một đường dây mua bán phụ nữ từ Việt Nam sang Liên bang Nga làm gái mại dâm. Cũng trong thời gian này, VPI có được tin nhắn cầu cứu qua điện thoại di động của 3 phụ nữ Việt Nam bị bán sang Nga làm gái mại dâm. Sau khi nhận được những thông tin đầy đủ, VPI đã có văn bản đề nghị Cảnh sát Nga phối hợp xác minh thông tin liên quan, đồng thời đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Nga phối hợp nhằm giảm cứu 3 nạn nhân này.

Thông qua các thông tin được VPI cung cấp, cảnh sát Liên bang Nga đã giải cứu được 3 cô gái này và đưa về Việt Nam. Qua lấy lời khai và thu thập tài liệu, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt giữ được đối tượng Nguyễn Văn Thuấn (tức Thuấn tóc dài) là đối tượng chính trong vụ án này. Trước đó trong vụ án ST 702 triệt phá đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang Camphuchia, Thái Lan sau đó đi Malaysia làm gái mại dâm. Từ những kết quả xác minh ban đầu, VPI cùng cơ quan Cảnh sát điều tra đã sang Campuchia, Malaysia phối hợp với cảnh sát nước bạn thu thập thêm chứng cứ và truy bắt các đối tượng bỏ trốn.

Cầu nối phòng chống tội phạm xuyên quốc gia

Trong 20 năm hội nhập quốc tế, lực lượng Cảnh sát Việt Nam cùng các cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài đã điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt đã phát hiện và điều tra 30.863 vụ việc có dấu hiệu phạm tội có yếu tố nước ngoài với 33.834 đối tượng; đã xác minh làm rõ thông tin về hàng nghìn đối tượng, trên 200 tổ chức có tư cách pháp nhân liên quan đến hoạt động tội phạm kinh tế như rửa tiền, buôn lậu, lừa đảo. Trong đó, đáng chú ý là trường hợp của Lê Quốc Thụy nguyên Phó Chủ nhiệm kỹ thuật Quân chủng phòng không. Lợi dụng chức vụ, Lê Quốc Thụy đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều đơn vị, cá nhân thuốc Bộ Quốc Phòng. Tháng 10-1996, Thụy được cử đi công tác và đã trốn ở lại Liên bang Nga.

Đến năm 2004, Bộ Quốc phòng quyết định khởi tố và ra quyết định truy nã Lê Quốc Thụy. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và Nông Đức Mạnh đã đề nghị Bộ Quốc Phòng phải truy bắt cho được đối tượng Lê Quốc Thụy. Theo yêu cầu của VPI, Ban Tổng thư ký Interpol đã ra lệnh truy nã quốc tế đối với Lê Quốc Thụy. Đầu năm 2005, qua nhiều nguồn tin, VPI phát hiện Lê Quốc Thụy đang lẩn trốn tại Bulgari và đã đề nghị Cảnh sát nước này bắt, dẫn độ đối tượng về Việt Nam. Nhiều phiên tòa tại Bulgari đã được mở để xem xét trường hợp của Lê Quốc Thụy vì đối tượng này dùng nhiều thủ đoạn để tránh bị dẫn độ. Cuối cùng Tòa án Tối cao Bulgari đã quyết định cho phép cơ quan chức năng của Việt Nam gồm Cán bộ VPI và Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng dẫn độ Lê Quốc Thụy về nước để truy tố theo pháp luật.

Trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy, thời gian qua lực VPI đã góp phần xác minh làm rõ hàng nghìn đối tượng, địa chỉ có liên quan đến các hoạt động phạm tội ma túy xuyên quốc gia như buôn bán vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới, tàng trữ và sử dụng ma túy, trồng cây cần sa… Những thông tin xác minh thu được đã giúp bóc gỡ nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam.

Điển hình là việc phối hợp giải quyết vụ án buôn lậu gần 8 tấn nhựa cần sa tại Móng Cái – Quảng Ninh (5-2008). Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến 2011 VPI đã giúp phát hiện, bắt giữ 397 vụ, 820 đối tượng phạm tội ma túy có yếu tố nước ngoài. Trong đó số người Việt Nam mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy sang Trung Quốc đều có liên quan đến một số đối tượng người gốc Châu Phi hiện đang cư trú tại TP Hồ Chí Minh. Có thể kể đến một số vụ án như Chime Chidike Ben (Quốc tịch Nigeria) cùng đồng bọn đã giấu heroin trong cúc áo của 11 chiếc váy với tổng trọng lượng là 871,43 gam hay Nnaji David Ete và đồng bọn đã 29 lần nhận ma túy giấu vào quần áo, sách, đế dép sau đó thuê các đối tượng là người Việt Nam vận chuyển đi Trung Quốc.

Trong hợp tác song phương với Interpol quốc tế, VPI đã phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường và đặc biệt là tội phạm khủng bố. Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 60 vụ việc liên quan đến hoạt động của các đối tượng khủng bố hoặc nghi khủng bố, trong đó chủ yếu là các yêu cầu của Cảnh sát Mỹ, Anh, Pakistan, Ban Tổng thư ký Interpol…

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát Việt Nam hiện đang quản lý danh sách, thông tin cá nhân của trên 1.000 đối tượng có lệnh truy nã quốc tế về tội khủng bố cũng như hàng nghìn đối tượng có liên quan đến các tổ chức khủng bố quốc tế như Al Queada, Islamyah… Lực lượng Công an Việt Nam đã phối hợp với cảnh sát nước ngoài, các cơ quan chức năng trong nước phá vỡ nhiều âm mưu của tổ chức chính phủ lâm thời Việt Nam tự do của Nguyễn Hữu Chánh, tổ chức đảng Việt Tân của Hàng Cơ Minh, một số tổ chức phản động người Việt khác đang hoạt động ở Pháp, Malaysia, Australia…

Từ khi thành lập cho đến nay, Văn phòng Interpol Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý trên 44.749 lượt thông tin, với 12.379 lượt thông tin liên quan đến công tác truy nã quốc tế, 12.714 lượt thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự xuyên quốc gia, 3.324 lượt thông tin liên quan đến tội phạm kinh tế, 2.990 lượt thông tin về tội phạm ma túy và trên 13.122 lượt thông tin liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự.