Cuộc chiến 30 năm với một “gia đình tội phạm” (1):

Gặp lại nữ tướng cướp “lừng lẫy" một thời

ANTĐ - Suốt 30 năm qua, công an và các lực lượng chức năng đã đấu tranh không mệt mỏi để giải quyết băng cướp này. Máu của CBCS công an đã đổ, đau thương ập đến nhiều gia đình trong cuộc chiến này...

Cuối năm 2006, Hoàng “phổi” và Thâu “ròm” - tàn dư của băng cướp Tám Lũy khét tiếng vùng Đông Nam bộ suốt mấy mươi năm đã bị bắt. Phi vụ cuối cùng của chúng là cùng đồng bọn dùng súng AK bắn chết ông Trương Đệ - chủ tiệm vàng Kim Hồng (chợ Phước Lý, xã Đa Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) - để cướp 70 lượng vàng. Suốt 30 năm qua, công an và các lực lượng chức năng đã đấu tranh không mệt mỏi để giải quyết băng cướp này. Máu của CBCS công an đã đổ, đau thương ập đến nhiều gia đình trong cuộc chiến đó. Với băng cướp Tám Lũy, có đối tượng bị tiêu diệt, có đối tượng tự tìm đến cái chết, số đối tượng khác bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật. Nhưng trong gia đình đặc biệt ấy vẫn có người cha (ông Tám Lũy) luôn ăn chay niệm Phật và khuyên răn con cháu không được gây tội ác. Có bà Tám Lũy ở tuổi xế chiều hay day dứt, đau khổ vì tội lỗi của các con. Có cả những thành viên hướng thiện và chí thú làm ăn vươn lên khấm khá...

THĂM "CĂN CỨ ĐỊA" CỦA BĂNG TÁM LUỸ


Sáng 14-9-2011, chúng tôi được ông Đặng Văn Thông - Phó CA xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - đưa đến thăm bà Tám Lũy. Căn nhà nhỏ của bà được cất trên khu đất rộng ở Cầu Cháy, xã Phú Đông. Mười năm gần đây, bà Tám Lũy cặm cụi nuôi heo, gà, vịt trên mảnh đất một thời là “căn cứ địa” của băng cướp khét tiếng. Hồi đó vùng này hoang vu, hiểm trở với bốn bề là sình lầy và các bãi dừa nước um tùm. Mấy mươi năm trôi qua, nhà bà Tám Lũy không còn là ốc đảo. Đường sá được mở mang, biệt thự và khu nhà vườn - cà phê đã mọc lên san sát.

Nay đã 75 tuổi, tóc bạc, gầy gò với khuôn mặt khắc khổ, bà Tám Lũy sống một mình, quạnh quẽ với ngôi nhà, mảnh đất có quá nhiều kỷ niệm. Nhìn bà hôm nay, làm sao có thể hình dung đó từng là một nữ thủ lĩnh bắn súng, xông xáo, mưu mẹo của một băng cướp khét tiếng trên sông nước vùng Đông Nam bộ mấy mươi năm trước. Ngôi nhà yên tĩnh này cũng là nơi những đứa con trai dữ dằn của bà như: Tùng “sát thủ”, Hoàng “phổi”, Sanh “cụt”... từng giấu vũ khí, lên kế hoạch, làm điểm xuất phát cho những vụ cướp kinh hoàng với nhiều người bị thảm sát.

Bà Tám Lũy bây giờ ít nói, đôi mắt không giấu được nỗi buồn. Có người kể rằng, trong phiên tòa xử Hoàng “phổi” và Thâu “ròm” tội “giết người, cướp của” tiệm vàng Kim Hồng, bà đã ngất xỉu khi nghe hai con trai bị tuyên án tử hình. Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống hôm nay, bà cho biết: “Có đứa con trai nhỏ nhất (là Nguyễn Văn Chót) đang sống cùng nhưng suốt ngày nó ăn nhậu say sưa. Thỉnh thoảng còn về nhà trộm gà, vịt làm mồi nhậu”. Bà vừa nói vừa đưa đũa khuấy nồi vịt kho để con cháu về ăn. Bà lại khoe vừa bán bầy heo con được 15 triệu đồng và thi thoảng vẫn ra sông xúc mớ tôm, cá về cải thiện bữa ăn. Năm năm trước (2006), khi Hoàng “phổi” chấp hình xong mức án 20 năm tù đã về đây sống với bà. Ngày đó Hoàng cũng siêng năng phụ bà nuôi heo, gà... Mỗi lần bán heo dành được ít tiền, bà lại nghĩ đến việc cưới vợ cho Hoàng. Thế rồi bất ngờ Hoàng “phổi” bị bắt vì tham gia giết người, cướp tiệm vàng, bà hụt hẫng, bao nhiêu hy vọng đổ vỡ...

Gặp lại nữ tướng cướp “lừng lẫy" một thời ảnh 1
Khách đến thăm bà Tám Lũy vào sáng 14-9-2011

Ngồi với bà trong căn nhà cô quạnh, chúng tôi miên man nghĩ về 30 - 40 năm trước - thời vẫy vùng trên sông nước của bà. Sinh ra trong một gia đình nghèo, hàng ngày mấy chị em bà phải theo cha mẹ đi xuồng từ Phú Hữu (Nhơn Trạch, Đồng Nai) sang khu rừng đước lấy củi bán đổi gạo. Không ai ngờ rằng cô tiều phu ngăm đen, hiền lành, cần cù đó có thể trở thành nhân vật của những giai thoại như trong truyện trinh thám, kiếm hiệp của một dòng họ có đến 4 thế hệ trộm, cướp.

Sau ngày 30-4-1975, băng cướp Tám Lũy với hơn 30 năm hoành hành trên các vùng sông nước Đông - Tây Nam bộ đã gieo rắc biết bao tội ác. Lúc cao điểm, băng này có hàng chục đối tượng, hơn 10 súng, tiểu liên các loại, lựu đạn, mã tấu, xuồng máy... Chúng dám tấn công cả vào lực lượng công an, dân quân, bắn chết, làm bị thương nhiều CBCS công an, du kích và thường dân vô tội... Qua quá trình đấu tranh gian khổ, kiên trì, lực lượng Công an TPHCM, Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam bộ đã triệt phá băng cướp Tám Lũy.

Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã bỏ công đến một số trại tạm giam miền Đông, miền Trung tìm gặp những người con trong gia đình Tám Lũy đang thụ án để tìm hiểu nguyên nhân hình thành tổ chức tội phạm trong dòng họ này, cũng như động cơ gây án của mỗi thành viên. Lúc đó (tháng 8-2001) Hoàng “phổi” đã tâm sự: “Gia đình tôi có 13 anh chị em, thêm cha mẹ nữa là 15 người, đông nhưng “lạnh”, người trong một nhà nhưng ít quan tâm đến nhau. Năm 1987, khi tôi bị bắt (sau đó nhận án 20 năm tù về tội cướp có vũ khí quân dụng, trốn khỏi nơi giam giữ...), mấy đứa em như Tất, Chót, Út, Hết, Thâu... còn quá nhỏ. Năm 1993, khi tôi trốn trại trở về thì mấy đứa đó đi tù gần hết. Tôi không nhớ mặt được mấy đứa em mà tụi nó cũng chẳng mấy khi nghĩ đến thằng anh như tôi...”. Hoàng thở dài, mặt đượm buồn.

Thế nhưng mắt anh ta lại sáng rực, mồm há hốc, nghe như nuốt từng lời khi chúng tôi kể lại chuyện mẹ Hoàng - bà Tám Lũy bây giờ đã xây nhà mới, đang nuôi rất nhiều heo, vịt đợi Hoàng về cưới vợ. Hoàng sung sướng ra mặt và nhờ chúng tôi nếu có gặp bà Tám Lũy thì nhắn giúp Hoàng sẽ cải tạo tốt để sớm được về với mẹ. Năm năm sau buổi tiếp xúc với chúng tôi, Hoàng đã được trả tự do vào ngày 18-1-2006, được giảm thời hạn phạt tù 6 lần, tổng cộng 2 năm, Hoàng đã gặp lại cha - người mà có lúc Hoàng đã rất tức, ghét vì ông luôn khuyên Hoàng “đừng làm chuyện ác”.

Ông Tám Lũy cũng là người ngăn cản Hoàng khi y muốn giết cả nhà anh Phạm Văn Tiếp - Phó CA xã Đại Phước, Nhơn Trạch - vì anh Tiếp đã cùng với lực lượng công an, dân quân bắt giữ Hoàng (trước đó, Tùng “sát thủ” - anh ruột Hoàng đã phục kích, bắn chết anh Tiếp). Hai tháng sau ngày Hoàng trở về, ông Tám Lũy (tức Nguyễn Thanh Liêm) đã qua đời vì bệnh tật, tuổi già. Cả cuộc đời ông là chuỗi ngày dài suốt mấy mươi năm cặm cụi làm ăn, không bao giờ chấp nhận cách sống ngoài vòng pháp luật của vợ, con. Song ông không thể làm gì khác ngoài những lời khuyên dành cho họ.

Khi còn sống, có lần gặp các tác giả bài viết này, ông Tám Lũy tâm sự: “Tôi theo đạo Phật, cả đời chỉ tâm nguyện từ bi, hỉ xả. Không hiểu sao lại sinh ra bầy con dữ dằn như thế!”. Đó cũng là lý do những đứa con tỏ ra gần gũi với mẹ hơn là với bố. Hoàng đã có gần 300 ngày sống êm đềm bên cạnh mẹ sau gần 20 năm tù tội trở về. Chúng tôi cũng đã gặp lại Hoàng vào cuối tháng 4-2006 tại khu đất rộng 4.000m2 gần Cầu Cháy, xã Phú Đông. Mấy mươi năm trước, cù lao giữa mênh mông đồng hoang này là “căn cứ địa” của băng cướp Tám Lũy khét tiếng, giờ trở thành trang trại lý tưởng.

Bà Tám Lũy bây giờ là một lão nông chăn nuôi rất giỏi. Bầy vịt kêu quanh nhà và trong chuồng là 40 - 50 con heo tròn căng. Nhìn bà ngủ trưa thảnh thơi trên võng cùng đứa cháu nội, làm sao tin đó là bà Tám Lũy “lừng lẫy”, từng xuất hiện trên báo chí với tư cách “sếp” của các tướng cướp khét tiếng. Hoàng “phổi” cũng vậy, dáng dấp hiền lành, khắc khổ đang dùng vòi xịt tắm cho bầy heo. Bà Tám Lũy thức giấc, vui vẻ mời khách lên nhà trên. Căn nhà còn thơm mùi sơn mới, mát lạnh giữa cánh đồng lộng gió.

Lúc đó đám tang ông Tám Lũy vừa được 3 tuần nên không khí yên ả, đượm buồn vẫn còn vương vấn trong nhà. Tuy vậy, bà Tám Lũy cũng rất sôi nổi khi nói về chuyện nuôi heo và chuyện hối thúc Hoàng lấy vợ. Hoàng đi tới đi lui mà không góp ý, lâu lâu lại nhếch mép cười. Vài tháng sau, Hoàng được mẹ cho đất cất hai phòng trọ cho thuê để kiếm thêm thu nhập và đưa một cô gái quê miền Tây về giới thiệu với mẹ. Suốt một tháng sống với mẹ chồng tương lai, cô gái đã làm bà Tám Lũy hài lòng. Bà đã nghĩ đến chuyện tổ chức đám cưới cho con. Song một lần nữa Hoàng chọn sai đường.

Ngày Hoàng bị bắt lại vì có liên quan đến băng cướp tiệm vàng Kim Hồng (10-11-2006), bà Tám buồn vô hạn. Bà thẫn thờ suốt mấy ngày, gặp ai cũng kể: “Thằng Hoàng dại dột quá, vậy là tôi phải chờ thêm một hai năm nữa mới làm đám cưới cho nó được”.

GIA ĐÌNH “NỔI TIẾNG”

Bắt đầu từ Trần Văn Rốp, tức Mười Rốp. Đó là một người đàn ông to con, giỏi võ, tính tình nóng nảy, hành xử kiên quyết nhưng đôi khi cũng tỏ ra là người có óc hài hước. Nhiều cụ già tuổi trên 80 ở vùng chợ nhỏ Thủ Đức ngày nay kể lại rằng lúc đầu ông Mười Rốp sống bằng nghề đốn củi, thỉnh thoảng trộm vặt; sau thấy “một đêm trộm bằng ba năm làm”, lại có sức khỏe, nhanh nhẹn, gan dạ, được những người khác nể nang nên ông tụ tập băng nhóm chuyển sang làm tướng cướp. Băng của Mười Rốp hoạt động mạnh ở vùng sông nước giáp ranh giữa Thủ Đức - Biên Hòa, trong đó có cả những lần cướp tài sản trong đồn Tây, nhà giàu, tàu buôn... và những lần ra vẻ nghĩa khí chia chiến lợi phẩm cho những người nghèo không tham gia băng cướp.

Năm 1945, Nhật bại trận, Mười Rốp cùng một số người bắt trói ba lính Nhật, thu một số súng bỏ lên xe bò kéo đi giao nộp cho Việt minh. Quần chúng theo sau xe bò vỗ tay hoan hô. Từ đó tiếng tăm của Mười Rốp bắt đầu có ảnh hưởng trong giới lục lâm thảo khấu, nhiều băng nhóm khác gia nhập và mở rộng địa bàn hoạt động. Thời gian sau, quân Pháp dựa hơi đồng minh tái chiếm Nam bộ và xây dựng lại bộ máy hành chính. “Pô-lít” Pháp tầm nã, Mười Rốp bị bắt đi tù, băng cướp của ông tan rã...

Đầu những năm 1950, Mười Rốp hết hạn tù, thấy khó có thể sống ở đất Thủ Đức, nơi ông đã gây ra quá nhiều tội lỗi và tiếng tăm, Mười Rốp đốt chòi, đưa hết vợ con lên ghe, vượt sông Đồng Nai sang lập nghiệp ở vùng Phú Hữu, Nhơn Trạch. Ông kiếm đất cất chòi, giải nghệ cướp, sống nghèo khổ bằng nghề đốn củi. Có giai thoại rằng, khi còn làm tướng cướp, lúc cao hứng ông Mười Rốp thốt ra lời nguyền: “Thằng này sống đời hải hồ, đầu đội trời, chân đạp đất, con cháu có nối nghiệp làm cướp âu cũng là định liệu của trời đất”. Sau này đám con cháu lần lượt đi theo con đường trái đạo của ông, nhiều người càng tin giai thoại trên là có thật. Những thế hệ lần lượt lớn lên trong nghèo đói cơ cực, thiếu sự học hành, giáo dưỡng, thiếu tình thương (điều này thể hiện rõ qua từng số phận trong dòng họ này) đã chọn con đường phạm pháp để sinh nhai và thể hiện tính háo thắng bằng tội ác.

Quá khứ của tướng cướp Mười Rốp dưới cách nhìn lệch lạc của đám con cháu là hành vi hảo hớn anh hùng. Chúng muốn noi theo, như những cánh chim non dại theo hướng tượng đài đen lao vào giông bão mà không lường hậu quả. Thế hệ đi trước lao vào tù tội, thế hệ sau sống trong bơ vơ, mặc cảm và nỗi hằn học vô lý với nền pháp luật đã trừng phạt cha mẹ, anh chị họ. Đó là những điều kiện thuận lợi nhất để những tâm hồn tật nguyền, những nhân cách chưa kịp định hình rơi vào con đường phạm tội. Cả bốn thế hệ tội phạm trong dòng họ này đều được “sinh nở” theo con đường như vậy.

Ông Trần Văn Rốp có vợ là Nguyễn Thị Tôm. Có lẽ ông rất yêu vợ và thích điều đơn giản nên từ cái tên đầy chất “thủy tộc” của vợ, ông đặt tên con theo những thứ ông thấy trên sông nước. Bà Tám Lũy là con gái đầu, được cha chọn tên khai sinh là Trần Thị Tép, các em của Tép là Trần Thị Rái, Trần Thị Cá... Những cái tên có gì đó gợi buồn về một hoàn cảnh nghèo khổ, dân dã. Mà ông Rốp nghèo thật, mấy cha con có được một chiếc xuồng cũ, ngày ngày đốn củi đổi gạo, mò cua ốc làm thức ăn. Thời kỳ này gia đình họ chuyển từ Thủ Đức về Phú Hữu, Nhơn Trạch và ông Mười đã giải nghệ cung kiếm, đóng vai một tiều phu cần mẫn.

Cuộc sống trôi êm đềm, các cô gái lớn dần lên, biết phận nghèo nên chẳng đua đòi, ăn diện. Gần nhà ông Mười có một đồn lính Tây, trong đó có một anh lính trẻ mồ côi cha mẹ tên gọi Nguyễn Thanh Liêm. Lúc rảnh rang, anh Liêm thường sang nhà ông Mười chơi, dần hồi anh quen và cảm mến cô Hai Tép. Lương lính hẻo nhưng anh Liêm cũng cố dành dụm mua tặng cô Hai chai dầu thơm của Tây, cục xà phòng tắm hiệu Cô Ba nổi tiếng đương thời. Có lẽ thời khắc đó, cô Hai Tép đã lịm đi vì hạnh phúc. Họ có một đám cưới nhỏ vào năm 1953, sau đó ông bố vợ cho mượn 1.000 đồng mua chiếc ghe 2 tấn. Ông Liêm bỏ nghề lính, ngày ngày theo vợ đốn củi chở ghe ra chợ bán. Cô Hai Tép được gọi theo tên chồng là bà Tám Lũy từ đó mãi đến tận bây giờ. Nhờ chí thú làm ăn nên dần hồi vợ chồng cũng trả được nợ, mua được mấy công đất cất nhà lá ở tạm. Bây giờ thì bà đi củi, ông ở nhà làm ruộng, chăn nuôi, giăng đáy kiếm cá dưới sông... Kinh tế ngày càng khá giả, ông Tám Lũy nghĩ đến chuyện sẽ xây một căn nhà khang trang rộng rãi vì lúc này họ đã có đến 6 đứa con. Giấc mơ đẹp của ông tan thành mây khói vào một ngày giáp Tết.

Vài người đàn ông, phụ nữ đã đến gặp ông. Họ than vãn, chửi bới, khóc lóc, đòi ông phải trả cho họ 10.000 đồng (tương đương 4 - 5 lượng vàng). Đây là số tiền bà Tám Lũy vay mượn của họ để đánh bạc. Ông Tám chới với, gặp vợ hỏi nguồn cơn thì nhận được một câu trả lời tỉnh queo: “Đánh bài có khi ăn khi thua chớ! Tôi đang xui ông còn cự cái gì?”. Vốn là người hiền lành, ngại ồn ào to chuyện, ông Tám lặng lẽ bán mấy trăm giạ lúa trả tiền thua bạc cho vợ. Tưởng đâu nghĩa cử đó có thể cảm hóa được bà Tám, không ngờ bà càng “leo thang”, đánh bạc dài dài qua Tết đến tháng 2, tháng 3. Có cái lạ là chả bao giờ bà thắng, của nả trong nhà chảy dần vào các sòng đỏ đen...

Phú Hữu xuất hiện nạn trộm vặt. Nhiều nhà mất bầu bí, heo, gà. Dấu chân để lại hiện trường là dấu giầy bốt-đờ-sô mà Mỹ trang bị cho lính Sài Gòn. Bà con lôi các ông lính đóng đồn gần đó ra chửi. Có người theo dõi, dưới ánh sáng mờ mờ của đêm trăng, một bóng người mặc quần áo lính nhẹ nhàng vào chuồng gà. Sau khi tóm một mớ gà bỏ bao, tên trộm cởi đôi giày lính dưới chân ra bỏ luôn vào bao gà cùng với chiếc mũ lính trên đầu. Trộm vác bao đi chân đất ra, mái tóc vô tình xõa dưới trăng để rõ đó là một phụ nữ. Bà Tám Lũy đã dùng cách đó để xóa dấu vết và đánh lạc hướng dư luận, đổ lỗi lên đầu các chú lính. Quả là một đạo chích tinh quái!

Là phụ nữ nhưng Tám cao ráo, khỏe mạnh như đàn ông. Thêm ít võ nghệ do cha là ông Mười Rốp truyền thụ, sự tinh quái trong bà càng làm bà nguy hiểm trong tư cách một tên trộm. Bà từng bị phát hiện khi đang trộm một con heo trong bộ đồ lính. Người ta truy đuổi, bà vác con heo 40 - 50kg chạy bon bon. Ai dám nghĩ đó là một người đàn bà?

Không thể chịu nổi cách sống quá quắt của vợ, ông Tám xin li dị vào năm 1968. Ông nuôi bầy con, còn bà đổi tên thành Trần Thị Liễu, vào Long Thành làm sở Mỹ, được bao nhiêu tiền lại tung vào sòng bạc. Một thời gian sau bà bỏ sở Mỹ, trở về khu Nhơn Trạch mua một mảnh đất gần cầu Cháy (nay thuộc xã Phú Đông). Đây là một vùng đất hoang vắng bốn bề sông rạch và những đầm lầy mọc toàn dừa nước. Sau ngày miền Nam giải phóng, chỗ này trở thành căn cứ của băng cướp Tám Lũy.

Do địa hình hiểm trở, um tùm nên nhiều lần lực lượng CA, dân quân tấn công vào đều không đạt hiệu quả. Những đứa con trai làm tướng cướp của bà Tám vốn thông thuộc địa hình, di chuyển linh hoạt bằng xuồng giữa các đầm lầy, sông rạch và chống trả kịch liệt bằng tiểu liên M16, AK, lựu đạn... đã gây khó khăn, tổn thất cho lực lượng truy bắt chúng. Nhưng đây là chuyện của hồi sau, chúng tôi xin trở lại chuyện về bà Tám Lũy. Từ ngày mua được khu đất ở Cầu Cháy (khoảng 4.000m2) bà lập chòi ở, đào hồ, đóng đáy bắt cá, ra dáng một nông phu cần cù. Nơi ở của bà không xa căn nhà mà ông Tám Lũy đang sống cùng các con. Có mớ cá tôm, bà Tám lại mang qua. Bà nấu giúp các con một nồi cơm, nướng đúng cách vài con cá, cả nhà có những giây phút đầm ấm bên mâm cơm ngọt ngào.

Ông Tám nhìn thấy tất cả, trái tim bồi hồi. Ông nói với người vợ cũ vài câu, nhiều hơn thế nữa. Bà tỏ ra ân hận vì lỗi lầm cờ bạc. Cả hai đều nhắc đến chuyện phải sống vì các con. Năm 1971, họ lại chung sống với nhau sau ba năm ly thân. Cả ông với bà đều là những người có sức khỏe, làm lụng giỏi. Các con cũng đã lớn, góp sức nên cuộc sống gia đình no đủ, dư dả. Lần này thì ông Tám tính đến chuyện phải xây nhà lầu. Mùa xuân lại đến, trong không khí rạo rực đón Tết, bà Tám lại bị cuốn hút vào các sòng bạc. Từ chiếu bạc đi ra, bà tỏ ra mệt mỏi chán ăn, nhác làm. Buồn hơn nữa là ruộng đất, trâu bò lần lượt bị bà cầm cố, bán để trả nợ thua bạc.

Nguy hiểm hơn là mỗi lần đi cờ bạc bà thường dắt theo một cậu con trai chưa quá 10 tuổi. Tùng, Sanh, Hoàng... cả ba tròn mắt ngây thơ bên chiếu bạc. Từng chứng kiến vui buồn, tan nát của mẹ qua những lá bài, hạt xí ngầu và từng phải “ăn” quá sớm những câu chửi thề, thói gian lận điêu trá và ý nghĩa tệ hại của đồng tiền ở chốn đỏ đen... Tất cả đã thấm vào nhân cách của chúng, để sau này chúng sớm sa vào con đường cờ bạc, trộm cắp, coi thường nhân nghĩa và cuối cùng thành những tướng cướp giết người không ghê tay. Ông Tám Lũy vẫn chưa quên lần bị chính vợ mình lừa. Biết tính bà Tám thường chôm chỉa đồ nhà để đánh bạc nên ông phải chôn kỹ món tiền dự định xây nhà. Nhiều lần bà Tám “hỏi thăm”, ông đều khéo léo từ chối.

Một hôm bà đi đâu về, xổ trong giỏ ra một đĩa lòng nóng hổi thơm phức, mấy cọng rau thơm, tía tô càng làm đĩa mồi quyến rũ. Cuối cùng là chai rượu trắng sủi tăm. Bà rót rượu cho ông, gắp mồi đưa tận miệng, dịu dàng ân cần như cái thuở hai người mới cưới nhau. Ông Tám chếnh choáng vì cái buổi chiều mặn nồng ấy. Có lẽ bà đã hỏi và ông đã chỉ xuống đất. Một năm sau, ông Tám thăm lại “kho báu” của mình. Nền nhà được đào tung, chỉ còn... mảnh nylon gói tiền, vàng! Ông Tám đau thắt ruột, thủ phạm thì ông biết nhưng can đảm nói ra thì không. Cơ hội có một căn nhà khang trang của ông một lần nữa bị đánh cắp...

(Còn tiếp)