Chuyện về tên cướp "độc nhãn" tác quái với súng và chó săn (4):

Cú đòn hạ gục tên sát thủ

ANTĐ - Biết Danh còn thở nhưng để giết người diệt khẩu, Xê lạnh lùng kê họng súng AK đúng vào thái dương bên phải tước đoạt mạng sống của nạn nhân...

Đang đứng uống nước bên cạnh, bất ngờ anh Nguyễn Văn Hùng vận công, dồn hết sức mình đánh cùi chỏ thẳng vào mặt Xê. Khi hắn choáng váng, chưa kịp chộp lấy khẩu súng AK bên cạnh bắn trả thì hai trinh sát trẻ ập tới chĩa súng ngắn vào đầu và hô lớn: “Hồ Văn Xê, mày đã bị bắt. Đừng chống cự vô ích!”.

DỤ CỌP RỜI HANG

Biết rõ Hồ Văn Xê là đối tượng đặc biệt nguy hiểm và rất tinh khôn nhưng lúc hết lửa để nấu nướng và sưởi ấm, nhất định hắn sẽ mò từ rừng về nhà nên các trinh sát Công an huyện Hiệp Đức đã tổ chức vây ráp, mật phục xung quanh khu vực nhà của y ở thôn 4, xã Phước Trà. Và đúng như dự đoán, sau hơn một tháng lẩn trốn, lúc 22 giờ 30 ngày 17-9-1992, Đội cảnh sát điều tra Công an huyện Hiệp Đức phát hiện y xuất hiện tại điểm “G”.

Ngay trong đêm 17-9, đại tá Nguyễn Rã (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) chỉ đạo đồng chí Phạm Văn Xuân (Trưởng công an huyện), đồng chí Huỳnh Trung Nguyên (Phó công an huyện) cùng các công an viên Lê Trung Hoàng, Nguyễn Quốc Sơn, Phạm Đình Diên, Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Văn Hạp, Phan Việt Bắc lên đường thực hiện nhiệm vụ. Dù trời mưa, thời tiết lạnh đến thấu xương nhưng anh em trong đoàn đã không quản ngại khó khăn, trèo đèo lội suối, vượt rừng tiếp cận hiện trường để truy bắt hung thủ.

Qua do thám, trinh sát biết được để phòng thân, lần này trở về nhà Xê có dẫn theo năm con chó săn và kẹp một khẩu AK đã cưa nòng còn rất nhiều đạn ngay bên mình. Ngoài ra, hắn còn được sự hỗ trợ đắc lực của người thân trong gia đình và nhiều bà con dân tộc số lân cận từ trước đến nay hắn vẫn thường cho gạo, tiền, vàng. Vì thế, bất cứ một sơ suất nhỏ của công an cũng có thể “bứt dây động rừng”, gây hậu quả nghiêm trọng không bắt được hung thủ, gây hiềm khích, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến chính trị, an ninh trên địa bàn.

Sau khi phân tích kỹ, BCA quyết định dùng kế dụ cọp rời hang để bắt gọn kẻ thủ ác. Trọng tâm là lợi dụng vào mối quan hệ thân thiết của anh Nguyễn Văn Hùng và hai trinh sát trẻ Nguyễn Văn Mừng, Phạm Đình Diên (ba người từng ngồi uống rượu với Xê) để đưa y vào bẫy giăng sẵn.

8 giờ sáng 18-9-1992, anh Hùng và hai chiến sĩ công an mặc thường phục của những “người rừng” tiếp cận nhà Xê. Vẫn lấy lý do là người quen đi làm gỗ, ghé xin nước uống rồi tiện thể có can rượu trắng với ít cá khô, các anh đã nhập cuộc một cách tự nhiên khiến đối tượng không thể nghi ngờ. Giữa lúc đang ngồi lai rai bên chén rượu nồng, anh Hùng buột miệng hỏi: “Xê này! Ở góc rừng phía tây của xã Phước Trà, tao thấy một gốc gỗ dổi chừng hai người ôm có đánh tên Hồ Văn Xê lên thân cây. Đó là cây mi đã “giành” (chiếm trước) rồi à?”. Không một chút suy nghĩ, Xê hếch cao hàm đắc chí: “Đúng. Là thân cây tao đã đánh dấu, cấm đứa nào đụng vào”. “Vậy mi để lại cho mấy anh em tao đi! Lấy bao nhiêu tiền tao đưa cho” - anh Hùng nói tiếp.

Thấy “con mồi” còn chần chừ, anh Mừng ngồi bên cạnh buông tiếng nài nỉ: “Là chỗ anh em, anh Xê để lại cho tụi em đi. Đợt này có khách ở Đà Nẵng đặt hàng mà chưa có nên họ hối dữ quá. Bán được giá, em xách mấy cân mực khô lên đưa anh nhậu cho vui”. Trước thái độ chân thành của ba người anh em, Xê nhận lời bán lại cây gỗ dổi ở rừng sâu với giá 150 ngàn đồng và bỏ qua sự cảnh giác (không dẫn đàn chó săn đi theo), một mình đưa mọi người đi cưa gỗ dổi.

Vì biết rõ để đến được cây dổi, nhất thiết Xê phải dẫn ba người trong đoàn vượt qua con suối Cà Reo (cách thôn 4, xã Phước Trà chừng 1km) nên BCA quyết định lấy điểm này làm nơi mật phục bắt gọn đối tượng.

Và đúng như kế hoạch đã dự định, sau một tiếng đồng hồ vượt rừng, lúc 11 giờ trưa cùng ngày đoàn khai thác gỗ do Xê dẫn đầu đã đến được bên này con suối. Trong lúc đang ngồi nghỉ chân để lấy sức vượt suối Cà Reo, lợi dụng thời cơ Xê mất cảnh giác, rời tay khỏi khẩu súng để lấy bình nước uống từ tay anh Nguyễn Văn Mừng, anh Nguyễn Văn Hùng bất ngờ tung cùi chỏ như trời giáng thẳng vào mặt hắn. Khi Xê đang tối tăm mặt mũi, chưa kịp chộp lấy khẩu súng AK bên cạnh thì anh Hùng tiếp tục chồm người lao tới vặn lưng đánh tiếp hai đòn chỏ nữa vào sau gáy khiến đối phương đổ nhào xuống đất.

Cú đòn hạ gục tên sát thủ  ảnh 1
Anh Nguyễn Văn Hùng diễn tả lại thế võ hạ gục Hồ Văn Xê

Bị đánh bất ngờ ba đòn mạnh như búa bổ từ trên xuống, Hồ Văn Xê gần như gục ngã tại chỗ nhưng sau đó hắn tiếp tục quẫy đạp, cố gượng dậy chống trả. Không để cho Xê kịp lấy lại thế thăng bằng, trinh sát trẻ Nguyễn Văn Mừng nhảy phắt đến bên cạnh tiếp tục tung ra hai đòn cước vào sườn phải khiến y văng xa 5m. Bị đánh đau, Xê càng say máu chống trả quyết liệt. Cùng lúc, anh Phạm Đình Diên nhảy phốc đến bồi thêm một đòn cước mạnh như trời giáng vào mông khiến hắn đổ rầm xuống đất. Xê nằm lăn lóc, quằn quại và gào thét như con thú trúng bẫy thợ săn giữa rừng sâu. Chớp lấy thời cơ, hai trinh sát trẻ Mừng, Diên ập tới chĩa súng thẳng vào đầu y hô lớn: “Hồ Văn Xê, mày đã bị bắt. Đừng chống cự vô ích!”.

Trong thế thất thủ thảm hại và biết rõ ngày tận thế đã đến, Xê gục đầu xuống đất chịu để cho công an tra còng số tám vào tay.

LỜI KHAI KINH HOÀNG

Ngay trưa 18-9-1992, tại trại giam Công an huyện Hiệp Đức, các điều tra viên (ĐTV) đã tiến hành hỏi cung sát thủ “độc nhãn” Hồ Văn Xê. Nhưng với bản tính lì lợm của một kẻ từng giết người không ghê tay, Xê không hé răng khai báo nửa câu. Gần hai ngày đầu, hắn vẫn “đổ bê-tông”.

Nhưng bước sang ngày thứ ba, trước nhiều chứng cứ phạm tội rõ ràng cộng với cách đấu trí khôn khéo của các ĐTV Công an huyện Hiệp Đức, Xê đã cúi đầu nhận tội. Hắn khai báo thành thật, chi tiết về việc bắn chết hai chú cháu Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đức Danh và tiếp tục thực hiện hơn 40 vụ cướp kinh hoàng sau đó.

Vì biết Sơn - Danh là hai người hành nghề buôn trầm, vàng, có nhiều tiền nên Xê đã ngấm ngầm theo dõi, chờ cơ hội ra tay. Lúc 13 giờ 30 ngày 12-8-1991, khi Sơn - Danh đi buôn ngang qua con đường mòn dọc suối Ba Loy (xã Phước Gia) thì đụng Xê đang cầm súng AK đứng chờ sẵn. Xê hét lớn: “Hai đứa mày bỏ toàn bộ tiền, hành lý, hàng hóa, vàng bạc xuống đất và cút thẳng. Đứa nào chống cự tao bắn vỡ sọ”.

Bị cướp bất ngờ nhưng là người đàn ông từng trải và có võ (Sơn từng là bộ đội đặc công) nên anh vẫn bình tĩnh trả lời:

- Chú cháu tôi là người làm ăn lương thiện và cũng không có nhiều tiền bạc mang theo nên anh tha cho.

Không để cho Sơn nói hết câu, Xê bắn một phát đạn vào đùi phải của anh rồi gằn giọng:

- Mi đừng nhiều lời. Bỏ tất cả tiền bạc, hành lý trên vai xuống.

Đụng đầu tên cướp liều lĩnh và đã bị hắn bắn trọng thương nhưng anh Sơn vẫn chống trả quyết liệt. Trong lúc giằng co, Xê điên cuồng bắn tiếp một phát vào ngực Sơn khiến anh gục chết tại chỗ. Thấy chú bị trúng đạn không cử động nữa, Nguyễn Đức Danh vội quẳng tất cả hành lý trên tay xuống đất rồi bỏ chạy nhưng đã bị đàn chó săn tinh khôn của Xê xông tới cắn xé ngất xỉu. Biết Danh còn thở nhưng để giết người diệt khẩu, Xê lạnh lùng kê họng súng AK đúng vào thái dương bên phải tước đoạt mạng sống của nạn nhân.

Sau khi bắn chết hai người, Xê gọi thêm Hồ Văn Dũng (em ruột) cùng đến cướp hết hàng hóa, hành lý, tiền bạc rồi quẳng xác nạn nhân xuống khe suối Ba Loy để phi tang. Nhưng Xê đã không ngờ rằng vì đói ăn nên sau đó đàn chó của y đã quay lại xé xác hai nạn nhân ăn thịt rồi tha phần thân thể còn lại của mỗi người đi một nơi.

Sáu ngày sau đó vụ việc bị phát hiện, hai anh em Hồ Văn Xê, Hồ Văn Dũng đã nhanh chân trốn vào rừng sâu. Trong quá trình bị công an truy tìm, vây hãm cho đến lúc bị bắt vào ngày 18-9-1992, Xê tiếp tục dùng súng gây ra hơn 40 vụ cướp kinh hoàng, bắn bị thương hai người, tước đoạt vô số tiền bạc, hàng hóa của người dân lương thiện.

Cú đòn hạ gục tên sát thủ  ảnh 2
Thành công của ban chuyên án là thành công của lực lượng Công an huyện Hiệp Đức, Công an tỉnh Quảng Nam

Với những tội ác đã gây ra, ngày 20-11-1992, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng y án sơ thẩm, tuyên tử hình đối với bị cáo Hồ Văn Xê về tội “giết người, cướp tài sản”. Riêng Hồ Văn Dũng trước đó đã ra đầu thú nên được tòa giảm án, tuyên phạt 10 năm tù giam. Kết cục bi thảm của Hồ Văn Xê là bài học đắt giá cho những kẻ coi thường pháp luật, muốn tận hưởng cuộc sống sung sướng mà lười lao động. Và khi rơi vào vòng lao lý vẫn không có ý thức phấn đấu hoàn lương, tiếp tục sa ngã vào con đường phạm tội.

Chuyên án “Tên cướp có ba khẩu súng và năm con chó săn” kết thúc, Công an tỉnh Quảng Nam, Công an huyện Hiệp Đức thu được những kết quả to lớn. Tên tội phạm nguy hiểm bậc nhất miền Trung đã phải đền tội. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Lòng tin của quần chúng nhân dân đối với lực lượng công an ngày càng được củng cố vững chắc. Thành tích này cộng với nhiều thành tích đạt được trong công tác tấn công, phòng ngừa tội phạm sau đó nên trong hai năm 1992 - 1993, nhiều tập thể, cá nhân của Công an tỉnh Quảng Nam, Công an huyện Hiệp Đức được Bộ Công an khen thưởng và tặng bằng khen cao quý.

Sáng 12-9-2011, nhớ lại thành công của chuyên án Hồ Văn Xê trong quá khứ, đại tá Huỳnh Trung Nguyên - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - chia sẻ: “Chuyên án đã giúp chúng tôi rút ra được nhiều bài học quý giá phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp một cách chặt chẽ và kịp thời. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn trau dồi đạo đức, lý tưởng cách mạng và khả năng nghiệp vụ để kịp thời đấu tranh, đẩy lùi các loại tội phạm nguy hiểm. Phải đảm bảo cơ sở chính trị vững mạnh, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc thường xuyên, liên tục. Xây dựng lực lượng nòng cốt chất lượng và đáng tin cậy. Công an cấp tỉnh, huyện, xã, thôn... phải thật sự vững mạnh thì mới làm chỗ dựa vững chắc cho quần chúng nhân dân đấu tranh, phòng chống tội phạm”.