“Chết” vì lòng tham

ANTĐ - Hoàn toàn biết tài sản mang ra mua bán hoặc cầm cố là thứ không minh bạch, song vì món lợi lớn, nhiều người đã “nhắm mắt làm liều”. Rủi ro trong các giao dịch này không chỉ khiến bên mua hoặc cầm cố thiệt hại về tiền bạc mà đó còn là con đường dẫn đến tù tội…      

Mờ mắt vì lợi nhuận

Vụ án Nguyễn Thị Thủy (SN 1982, trú ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) phạm tội lừa đảo bị TAND TP Hà Nội xử phạt 20 năm tù giam là một ví dụ điển hình. Vốn là “khách hàng” quen, Thủy thường vay mượn tiền của chị Phạm Thị Loan, trú ở Kim Động, Hưng Yên với lãi suất cao.

Khi số nợ đã lớn Loan tỏ ý không “cấp vốn” cho Thủy nữa nếu không có tài sản thế chấp. Từ 1-9 đến 1-10-2009, Thủy liên tục đến một công ty cho thuê xe ô tô tự lái ở Hà Nội thuê phương tiện, rồi đưa về Hưng Yên thế chấp cho chị Loan. Tổng cộng, Thủy đã “đặt” cho chủ nợ này 5/9 xe ô tô lừa của doanh nghiệp trên để vay hơn 2,5 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, “nữ quái” cũng đã thuê chiếc ô tô Matiz của một người ở quận Long Biên trong thời gian 6 tháng để đi lại, nhưng thực chất là mang đi cầm cố để vay 200 triệu đồng với lãi suất 9%/tháng. Khi đối tượng bị điều tra, tất cả các chủ nợ nhận cầm cố 10 xe ô tô do Thủy lừa đảo đều tự động giao nộp tang vật cho cơ quan công an. Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thủy, cả 4 người cho vay tiền đều yêu cầu bị cáo phải hoàn trả tổng cộng 3,58 tỷ đồng. Tòa án cũng tuyên buộc Thủy phải khắc phục hậu quả, song tất cả chủ nợ đều khó đòi lại được tiền từ bị cáo.

Ngày 23-5 vừa qua, tòa án Hà Nội cũng đã xử phạt Nguyễn Văn Trọng (SN 1978, trú ở phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội) 20 năm tù về tội danh tương tự. Điều đáng nói ở vụ án này, thiệt hại thực tế không phải là nguyên đơn dân sự mà thuộc về những người liên quan. Nguyễn Văn Trọng bị quy kết đã thuê 29 xe ô tô của Công ty TNHH Ngô Minh, sau đó mang đi bán và cầm cố cho nhiều người để đút túi hơn 11,2 tỷ đồng. Tại tòa, HĐXX khẳng định hầu hết giao dịch giữa bị cáo và những người mua bán, cầm cố xe ô tô tang vật đều là giao dịch bất hợp pháp, không có tài liệu chứng minh nên không có cơ sở để tuyên buộc bị cáo trả lại tiền trong các giao dịch này. Số tiền bị cáo được hưởng lợi thông qua hành vi lừa đảo bị tòa án tuyên tịch thu sung công.

Tiền mất, tội mang

Nói về giao dịch tài sản là tang vật trong các vụ án hình sự, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng về nguyên tắc đều là trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Song không phải tài sản nào bên mua hoặc nhận cầm cố đều biết đó là tài sản bất hợp pháp. Tuy nhiên, đối với những tài sản thuộc trường hợp phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc tài sản, hàng hóa bị Nhà nước cấm mua bán, lưu hành thì người nhận cầm cố, mua bán buộc phải biết và phải tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định. 

Cụ thể, đối với tài sản là ô tô, xe máy thì chỉ có chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền mới được phép thực hiện giao dịch. Cũng theo luật sư Tiến, thực tế các vụ án lừa đảo bằng hình thức thuê mướn tài sản, sau đó mang đi “đặt” hoặc bán thì những người bị lôi kéo vào các giao dịch này phần lớn đều xuất phát từ nguyên nhân hám lợi chứ không phải do không hiểu biết. Và nếu pháp luật khắt khe hơn, những người mua bán hoặc cầm cố ô tô, xe máy do người khác phạm tội mà có còn có thể bị xem xét về tránh nhiệm hình sự. Luật sư Tiến khuyến cáo để tránh rủi do, những người tham gia giao dịch cần hết sức thận trọng và phải kiểm tra tính hợp pháp cũng như tư cách của người mang tài sản đến cầm cố hoặc mua bán. Đó cũng chính là cách duy nhất để tự bảo vệ mình trước pháp luật.