Bị doạ giết, phải làm gì?

ANTĐ - “Có một kẻ liên tục gọi điện và nhắn tin quấy rối tôi với lời lẽ rất thô tục, không chỉ sỉ vả tôi mà ngay cả bố mẹ tôi nữa. Không những thế kẻ này còn nhắn tin đòi giết tôi. Nguyên do là người đó thích tôi nhưng tôi đã có người yêu. Tôi luôn sống trong cảm giác bất an và sợ hãi mỗi khi chuông điện thoại hoặc tin nhắn reo.  Tôi thấy sợ! Tôi phải làm gì bây giờ?” - Tình trạng đe dọa giết người qua tin nhắn đang diễn ra phổ biến khiến cho người dân cảm thấy bất an. Họ phải làm thế nào? Ai sẽ bảo vệ họ? Đó không chỉ là câu hỏi đang đặt ra đối với các cơ quan thực thi pháp luật mà cả đối với các nhà làm luật.

Nhận diện nạn nhân - đối tượng

“Tôi không có thù oán, gây hại cho ai, nhưng nhiều tin nhắn vào đêm khuya mang nội dung chửi bới, đe dọa lấy đi tính mạng, tin nhắn mang tính chất khủng bố tinh thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của tôi cùng các con.

Xin cho biết: Tôi phải trình báo tới cơ quan chứa năng nào để được giúp đỡ? Nếu họ xuống tay hãm hại tôi thật, tôi được tự vệ như thế nào? Chủ sử dụng số điện thoại đã gửi đi tin nhắn khủng bố đã phạm vào điều nào của Bộ luật Hình sự?”. Những câu hỏi như vậy hiện nay vẫn thường xuyên được gửi đến các công ty tư vấn luật và những tin nhắn đe dọa vẫn liên tiếp được nhiều đối tượng sử dụng để đạt mục đích của mình.

“Muốn gia đình êm ấm thì ông phải nộp 30 triệu đồng cho tôi, bây giờ ông chuyển tiền cho tôi, nếu không tôi sẽ giết con 2 gái ông, nổ mìn sập nhà”.

Trên đây chỉ là một trong nhiều tin nhắn điện thoại từ số máy lạ vào máy ĐTDĐ của ông Nguyễn Trí Cung (60 tuổi), ở xóm 2, xã Thanh Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An từ ngày 22-10 đến 24-10-2011. Không những ông Cung nhận được tin nhắn đe dọa như trên mà cả người con gái đầu của ông cũng nhận được những tin nhắn tương tự. Đối tượng đã gọi điện hướng dẫn ông Cung đưa số tiền 30 triệu đồng đến nhiều địa điểm khác nhau. Sau nhiều lần hẹn gặp, đối tượng vẫn không chịu xuất hiện, đến ngày 24-10-2011, đối tượng tiếp tục gọi điện và yêu cầu ông Cung nộp tiền vào tài khoản… Không khỏi bàng hoàng, lo lắng cho 2 người con gái của mình đang học THPT tại thị trấn Dùng, ông Cung đã viết đơn nhờ CAH Thanh Chương vào cuộc điều tra. Trong đêm 26-10-2011, đối tượng đã bị bắt. Qua đấu tranh, đối tượng khai là Nguyễn Văn Hùng (SN 1989), ở tại thôn 2 xã Thanh Thịnh, Thanh Chương. Hùng đã thừa nhận hành vi sử dụng ĐTDĐ để nhắn tin đe dọa ông Cung nhằm cưỡng đoạt tài sản. Gặp đối tượng Hùng tại cơ quan CAH Thanh Chương, ông Nguyễn Trí Cung rất bất ngờ khi biết người nhắn tin đe dọa gia đình mình chính là người hàng xóm vẫn thường hay gặp!

Vào trang tìm kiếm Google gõ cụm từ “Hành vi đe dọa giết người” ngay lập từ có đến 2.760.000 kết quả trả lời liên quan đến nội dung trên. Muôn hình vạn trạng, 1001 nội dung đe dọa giết người: Đe dọa nổ mìn giết người thân lúc rạng sáng; Hành vi đe dọa đồng nghiệp của công chức; Nhắn tin đe dọa giết người; Đòi nợ kèm lời đe dọa giết người; Loạn tin nhắn khủng bố đe dọa giết người; Nhắn tin dọa giết người vì bị rút tên khỏi công trình; Một bảo mẫu bị nhắn tin đe dọa…; và rất nhiều những nội dung nạn nhân đã gửi thư khẩn cấp thông qua các website Công ty luật nhờ luật sư tư vấn hướng giải quyết.

Những câu chuyện thực tiễn

Từ thực tiễn cho thấy có những vụ giết người đã xảy ra sau khi đối tượng có hành vi đe dọa giết người. Tuy nhiên, trong quá trình từ hành vi đe dọa giết người đến giết người có khi chỉ trong gang tấc nhưng trong một số trường hợp cụ thể người ta thường chủ quan, thiếu những biện pháp phòng ngừa, đồng thời pháp luật cũng chưa có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn hành vi đe dọa giết người, bảo vệ người bị đe dọa. Nhiều đối tượng đã coi đây là thứ “vũ khí” hữu hiệu để đạt được mong muốn của mình.

Dư luận vẫn chưa thể quên đi câu chuyện buồn “Nhát dao oan nghiệt từ một mối tình đơn phương” xảy ra với gia đình Giáo sư, Viện sỹ, TSKH Vũ Đình Huy. Nhiều người dân sống trong khu chung cư vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại cảnh tưởng chị Vũ Thị Hoàng Anh (26 tuổi), con gái Giáo sư, Vũ Đình Huy nằm gục trên vũng máu ngay lối dẫn vào cầu thang lên trong căn nhà nhỏ nằm tại tầng 2 của chung cư số 684/6 Trần Hưng Đạo, P.2, Q.5, TP.HCM. Trước đó, khoảng tháng 8-2010, chị Vũ Thị Hoàng Anh có cho gia đình biết việc có một người đàn ông tên Nguyễn Đăng Thành (30 tuổi), quê ở Bình Định, tạm trú tại quận Gò Vấp theo đuổi và đặt mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, Hoàng Anh không có tình cảm với Thành nên đã nhiều lần từ chối.

Không bỏ cuộc, Thành tiếp tục theo đuổi bằng cách thường xuyên gọi điện thoại đến nhà, cơ quan nơi Hoàng Anh làm việc để quấy rầy. Thành cũng đã không ít lần gây sự với bạn bè, đồng nghiệp của Hoàng Anh. Chỉ cần thấy Hoàng Anh đi cùng hay ngồi chơi với người con trai nào, lập tức Thành xuất hiện và gây sự. Sau đó, Thành gửi đến cho Hoàng Anh thông điệp “Hoặc Hoàng Anh phải chấp nhận lấy Thành làm chồng, hoặc Thành sẽ giết Hoàng Anh và giết cả những thanh niên nào muốn đến tìm hiểu Hoàng Anh”.

Chưa chịu dừng lại ở đó, Thành đã dọa Hoàng Anh rằng nếu báo công an thì sẽ “giết cả nhà”. Tưởng rằng đó chỉ là lời hù dọa. Nhưng nó đã được kết thúc bằng một vụ án mạng. 5 nhát dao bầu oan nghiệt vào tim, gan đã cướp đi sinh mạng của Hoàng Anh... Có lẽ đây là vụ án điển hình mà hành vi đe dọa giết người bị đẩy đi quá xa.

Những hành vi đe dọa giết người liên quan đến khía cạnh tình cảm phải kể đến vụ việc của đối tượng Ngô Hoài Nam (45 tuổi), ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An. Mặc dù đã có vợ con nhưng Ngô Hoài Nam lại có tình cảm với chị Đào Thị Hà, trú tại xóm Hồng Cường, xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn, Nghệ An nhưng không được chấp nhận. Chiều ngày 20-1-2011, Nam đã mang mìn tự tạo đến kiốt văn phòng phẩm của chị Hà dọa cho nổ tung. Chị Hà đã gọi điện cho em trai là anh Đào Văn Phúc đến thì Nam lại tiếp tục đe dọa “sẽ cho chết cả nhà”. Sau khi anh Phúc lấy con dao trong kiốt chém đứt đôi quả mìn  tự tạo thì Nam lao vào cướp được con dao từ tay anh Phúc và đuổi chém. Không chém được anh Phúc, Nam quay lại nhằm vào đầu và lưng chị Hà để chém khiến chị bị thương. Gây án xong Nam đã bỏ trốn. CAH Nghĩa Đàn đã có quyết định khởi tố Nam và phát lệnh truy nã Ngô Hoài Nam. Mặc dù đang bị truy nã nhưng Nam vẫn nhắn tin đe dọa chị Hà. Khi chị Hà đang đi trên đường thì Nam đi theo chặn xe và đòi cho mìn nổ để chết cùng chị Hà. Lực lượng công an đã ập vào khống chế tên Nam, thu giữ 2 quả mình tự tạo trọng lượng 1kg…

Mới đây, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH, CATP Hà Nội đã phối hợp với CAQ Hoàng Mai bắt giữ đối tượng Nguyễn Đình Tiến (36 tuổi), ở tổ 10, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội để điều tra về hành vi đe dọa giết người. Theo điều tra ban đầu, khoảng 20h30 ngày 15-9-2011, Tiến cùng 2 đối tượng khác đến nhà ông Dương Văn Ngọc (57 tuổi), ở tổ 48, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai để đòi nợ. Tại đây, Tiến đã dùng súng đồ chơi đe dọa giết cả nhà ông Ngọc nếu không trả 500 triệu đồng mà con trai ông Ngọc nợ.

Loại tội phạm sử dụng thủ đoạn nhắn tin qua ĐTDĐ bằng số điện thoại lạ để khủng bố, tống tiền, tống tình, đe dọa giết người hiện nay đã xuất hiện từ lâu, xảy ra ở nhiều địa phương,  và nay trở nên khá phổ biến. Ngày 10-7-2007, CAQ Hoàng Mai, Hà Nội nhận được đơn trình báo của ông Đỗ Văn Nho, Chi cục Thuế Hoàng Mai về việc ông nhận được những tin nhắn đe dọa tính mạng. Trong các tin nhắn không chỉ nêu tên, mà còn nói rõ quy luật làm việc, địa chỉ chỗ làm của ông Nho đã khiến ông lo sợ việc đe dọa giết người sẽ được thực hiện. Kết quả điều tra xác minh, công an xác định thủ phạm là Đào Đức Hùng (28 tuổi), ở TP Hạ Long, Quảng Ninh với  lý do vướng mắc thủ tục, việc nộp thuế trước bạ xe máy của Hùng mất nhiều thời gian nên đã nhắn tin đe dọa giết ông Nho, người trực tiếp nhận hồ sơ.

Trong năm 2011 cũng đã xảy ra rất nhiều các vụ đe dọa giết người mà cơ quan công an đã thụ lý điều tra. 21h ngày 11-10-2011, 2 đối tượng là Trần Văn Thái (SN 1978), ở Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội  và Đỗ Viết Tú (SN 1992), ở Tiến Thắng, Mê Linh đã tới nhà anh Nguyễn Văn Tỵ (SN 1977), ở thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh và có hành vi dùng súng đe dọa anh Nguyễn Văn Tỵ để đòi nợ. Thái và Tú mang theo một khẩu súng Colt, bên trong có 1 viên đạn, trong xe ôtô của các đối tượng, cơ quan Công an còn thu 1 con dao và 1 dùi cui điện. Trong vụ án này, nếu lực lượng công an không kịp thời có mặt, không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra vì các đối tượng đều sử dụng vũ khí nóng. 23h30 cùng ngày, anh Pham Văn Doanh (SN 1985), ở Thụy An, Thái Thụy, Thái Bình làm bảo vệ tại khu đô thị Sài Đồng đến CAP Sài Đồng trình báo bị một đối tượng đem 1 khẩu súng ngắn, dạng súng tự tạo, không có đạn đến dí vào đầu anh Doanh đe dọa giết. CAP Sài Đồng đã chuyển hồ sơ sang CAQ Long Biên để điều tra làm rõ hành vi đe dọa giết người…

Nhìn ra thế giới

Với tội giết người, đối tượng sẽ bị pháp luật xử phạt rất nghiêm khắc bởi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó đã xâm phạm đến tính mạng của con người. Tuy nhiên, với hành vi đe dọa giết người, trong một số trường hợp cụ thể vẫn chưa bị xử lý. Nguyên nhân là có rất nhiều vụ đe dọa giết người mà đối tượng đe dọa và nạn nhân có quan hệ quen biết, có quan hệ tình cảm, hoặc do cả hai có phát sinh mâu thuẫn,  và vì một lý do nào đó nạn nhân không dám tố cáo hành vi này với cơ quan công an. Bên cạnh đó, thực tế cũng có rất nhiều vụ mà cả đối tượng và nạn nhân đều cùng vi phạm pháp luật nên nạn nhân ngại tố cáo vì sợ hành vi vi phạm pháp luật của mình sẽ bị phanh phui… Và cũng có không ít trường hợp do nạn nhân thiếu hiểu biết pháp luật cho rằng: Hành vi đe dọa giết người sẽ không bị pháp luật xử lý mà chỉ khi đối tượng giết người mới bị xử lý nên đã không trình báo cơ quan công an. Chính những nguyên nhân này đã dẫn tới tình trạng các đối tượng đe dọa giết người trở nên phổ biến và các đối tượng đã lợi dụng biện pháp này như một thứ vũ khí hữu hiệu. Hơn nữa từ hành vi đe dọa giết người rất có thể dẫn đến hành vi giết người. Và để cho đến khi hành vi giết người xảy ra thì hậu quả đã rất nghiêm trọng.

Điều 103 Bộ luật Hình sự quy định về Tội đe dọa giết người như sau: “1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Đối với nhiều người; b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; c) Đối với trẻ em; d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác”.  Chính vì vậy, nạn nhân của hành vi đe dọa giết người trước hết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hãy liên hệ ngay với cơ quan công an để trình báo vụ việc kèm theo các chứng cứ về việc bị đe dọa giết. Căn cứ vào đó cơ quan công an có những biện pháp ngăn chặn hành vi  đe dọa giết người, đồng thời có biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ phạm tội. Ngoài ra nếu việc xúc phạm danh dự, đe dọa giết người của đối tượng gây thiệt hại cho nạn nhân và gia đình thì nạn nhân có thể yêu cầu đối tượng phải bồi thường thiệt hại.

Tại một số nước phát triển, với tội đe dọa giết người, họ có những biện pháp bảo vệ người bị đe dọa, ngăn chặn hành vi đe dọa hạn chế thấp nhất những vụ án mạng. Ông Nguyễn Hoàng Hải, nghiên cứu sinh ngành Luật tại TP Melbourne, Australia cho biết: “Ở Australia, nếu người dân cảm thấy lo sợ vì có người đe dọa có thể xin Án lệnh cấm bạo hành - đây  là những Án lệnh được Tòa án đưa ra để bảo vệ người dân. Có 2 loại Án lệnh, một là Án lệnh cấm bạo hành gia đình, hai là Án lệnh cấm bạo hành cá nhân được đưa ra khi những người liên quan không có quan hệ và không có quan hệ gia đình.

Nếu một Án lệnh được đưa ra sẽ có 3 điều kiện thông lệ để cấm những hành vi sau: Hành hung, gạ gẫm, quấy rối, đe dọa hoặc can thiệp vào cuộc sống của người được bảo vệ; Uy hiếp người được bảo vệ; Rình mò người được bảo vệ. Ngoài ra, có thể có những điều kiện bổ sung để cấm những loại hành vi sau: Đến gần người được bảo vệ; Đến gần hoặc xâm nhập những nơi mà người được bảo vệ có thể đang sống, làm việc hoặc tới đó…

Án lệnh là của Tòa án, vì vậy nếu bị tố giác là đã vi phạm một điều kiện của Án lệnh sẽ bị cáo buộc phạm tội hình sự. Nếu bị kết luận đã vi phạm Án lệnh, nhiều khả năng sẽ bị ghi vào hồ sơ hình sự. Nếu bị kết tội vi phạm Án lệnh nhiều khả năng sẽ bị phạt tù. Án lệnh sẽ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định. Trước khi hết khoảng thời gian đó, có thể xin kéo dài thời gian hiệu lực của Án lệnh nếu vẫn còn mối đe dọa hợp lý từ người đe dọa.

Nhận định của giới chuyên môn

 Thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Giảng viên Bộ môn Pháp luật, Học viện An ninh nhân dân lập luận: “Trong Bộ luật Hình sự (BLHS), hành vi “đe dọa giết người” được phản ánh trong mặt khách quan của nhiều cấu thành tội phạm cụ thể. Trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được sự thống nhất giữa hành vi với ý thức chủ quan của người phạm tội. Mặt khác, ở một số trường hợp cụ thể trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng vẫn còn lúng túng khi xác định hành vi “đe dọa giết người” sẽ cấu thành tội đe dọa giết hay tội giết người. Chúng tôi cho rằng, nếu xác định rõ được người thực hiện hành đe dọa đã thực sự tìm kiếm những công cụ, phương tiện để tước đoạt tính mạng của người khác thì có thể xử lý về tội giết người mà không xử lý về tội đe dọa giết người vì hành vi đe dọa giết người trong tội này thể hiện ở hành vi bằng lời nói, hành động nhất định khiến cho người bị đe dọa thực sự lo sợ sẽ bị giết, còn nếu đã tiến hành những hành vi cụ thể rồi mặc dù chưa tước đoạt tính mạng của người khác nhưng vẫn có thể xử lý về hành vi giết người ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội”.

Luật sư Chu Minh Cường, Văn phòng Luật sư Hồng Hải cho rằng pháp luật Việt Nam chưa có quy định bảo vệ người bị đe dọa mà còn đang trong quá trình kiến nghị. Những người khi bị đe dọa ngay lập tức phải trình báo cơ quan có thẩm quyền để nhờ họ có những biện pháp ngăn chặn. Đôi khi hành vi đe dọa chỉ là để người khác sợ phải làm theo ý muốn chủ quan của người đe dọa, nhưng có trường hợp không ngăn chặn kịp thời có thể dẫn đến việc người đó thực hiện hành vi trên thực tế.

Còn theo quan điểm của luật sư Trần Văn Trí, Văn phòng Luật sư Trần Trí và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì trong đấu tranh chống tội phạm, biện pháp phòng ngừa bao giờ cũng được đánh giá cao và đặc biệt chú trọng. Trong BLHS có nêu các nhiệm vụ đấu tranh phòng ngừa tội phạm là trách nhiệm của mọi người dân, mọi tổ chức xã hội… Nhưng đi vào thực tiễn, việc đấu tranh ngừa tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự mới chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu chứ chưa có những văn bản quy định có tính răn đe và điều chỉnh hành vi người vi phạm. Khi hậu quả đáng tiếc xảy ra, tiến hành điều tra làm rõ thì thấy nguyên nhân  tiềm ẩn từ lâu nhưng không được phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời.

Như đã phân tích BLHS cũng đã định tội đe dọa giết người. Song theo điều luật thì hành vi đe dọa của người phạm tội phải làm cho người bị đe dọa thực sự tin rằng mình sẽ bị giết. Đây là dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này song lại là dấu hiệu khó xác định. Và thực tiễn điều tra xét xử đối với tội phạm này cho thấy việc xác định hành vi phạm tội đe dọa giết người, hay giết người vẫn còn lúng túng. Chúng tôi cho rằng hành vi đe dọa giết người là hành vi phải được áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay tức khắc trước hết là bảo vệ người bị đe dọa, và để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Chính vì vậy pháp luật cần có một thiết chế nào đó để bảo vệ nạn nhân kiểu như “Án lệnh” của Australia. Hiện nay, tình trạng đe dọa giết người đang diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức vì nhiều động cơ và mục đích khác nhau. Và việc đưa ra các biện pháp bằng pháp luật để phòng ngừa hành vi phạm tội và bảo vệ nạn nhân là hết sức cần thiết.